1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Trung Quốc hứng thiệt hại từ các dự án “Vành đai, con đường” kém hiệu quả

(Dân trí) - Giới quan sát nhận định, sự chuẩn bị sơ sài, không tính toán kỹ lưỡng trong các dự án cơ sở hạ tầng nằm trong sáng kiến “Vành đai, con đường” của Trung Quốc đã khiến chính các nhà đầu tư ở Bắc Kinh thiệt hại hàng tỷ USD và đẩy các quốc gia châu Phi nghèo vướng vào những món nợ lớn.

Dự án đường sắt nối giữa Addis Ababa (Ethiopia) và Djibouti (Ảnh: The Reporter)
Dự án đường sắt nối giữa Addis Ababa (Ethiopia) và Djibouti (Ảnh: The Reporter)

Ông Wang Wen làm việc tại tổng công ty Bảo hiểm Tín dụng và Xuất khẩu Trung Quốc (Sinosure), cho biết có rất nhiều bài học từ các quốc gia châu Phi có thể cảnh tỉnh những nhà đầu tư và phát triển Trung Quốc khi cân nhắc đổ tiền vào các dự án thuộc sáng kiến “Vành đai, con đường” mà Bắc Kinh đề xuất.

Ông Wang dẫn ví dụ về dự án đường sắt trọng điểm nối giữa Addis Ababa (Ethiopia) và Djibouti. Đây là dự án đường sắt trị giá 4 tỷ USD, mới được khánh thành đầu năm, nhưng đã phải tái cấu trúc lại các khoản nợ vì làm ăn không hiệu quả. Theo đó, dự án không thể hoạt động hết công suất như dự kiến khi xây dựng do thiếu nguồn điện để vận hành và ước tính sẽ khiến Sinosure thiệt hại 1 tỷ USD.

“Khả năng lên kế hoạch của Ethiopia còn thiếu sót nhưng ngay cả với sự hỗ trợ của Sinosure và ngân hàng Trung Quốc cho vay, kế hoạch đầu tư và vận hành vẫn không trọn vẹn”, ông Wang nói.

Ông chỉ ra một thực trạng chung với các dự án do Trung Quốc đầu tư trong sáng kiến “Vành đai, con đường” là sự chuẩn bị sơ sài, có phần hời hợt. Những trường hợp tiêu biểu có thể kể tới là họ xây nhà máy tinh luyện ở châu Phi nhưng thiếu đi nguồn cung nguyên liêu chính là củ cải đường, hay dự án đường xe lửa không được sử dụng hết công suất ở Mỹ Latin.

Được giới thiệu vào 5 năm trước bởi chính Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, “Vành đai, con đường” nhằm mục tiêu xây dựng con đường vận tải mới nối giữa 3 châu lục với các dự án xây cơ sở hạ tầng như đường xe lửa, cầu cảng, đường xá. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, các dự án trên chủ yếu sử dụng nguồn vốn từ các ngân hành, tập đoàn nhà nước Trung Quốc làm dấy lên nhiều mối quan ngại về tính bền vững cũng như tác động chính trị tới các nước được cho vay tiền.

Dự án đường sắt Addis Ababa-Djibouti, đường tàu điện xuyên châu Phi đầu tiên, được xây dựng bởi 2 công ty Trung Quốc và khoản vay 3,3 tỷ USD từ ngân hàng xuất nhâp khẩu Trung Quốc. Sinosure là một doanh nghiệp nhà nước lớn của Trung Quốc với tư cách là nhà cung cấp bảo hiểm tín dụng xuất khẩu. Họ có trách nhiệm trong việc bảo lãnh các khoản vay từ các bên cho các dự án xây dựng quy mô lớn.

Sự hoạt động kém hiệu quả của dự án trên không những gây thiệt hại cho những các nhà đầu tư mà còn ảnh hưởng tới những nước nghèo đi vay tiền khi họ phải gánh một khoản nợ lớn cho những thương vụ không mang lại lợi ích thực tế.

Giới chuyên gia cho rằng với tham vọng mở rộng quy mô dự án ngày càng lớn từ Trung Quốc, họ sẽ phải chuyển sang sử dụng nguồn vốn thương mại từ các doanh nghiệp và các công ty và không thể giới hạn trong nguồn vốn nhà nước. Tuy nhiên, họ đồng thời cũng cảnh báo các nhà đầu tư tiềm năng phải có sự chuẩn bị kỹ càng, cân nhắc mọi khả năng cũng như vấn đề quản trị rủi ro nhằm tránh những “thảm họa” về mặt tài chính.

Đức Hoàng

Theo SCMP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm