Ngoại giao "bẫy nợ" của Trung Quốc: Đằng sau những khoản cho vay dễ dãi
(Dân trí) - Thông qua các khoản cho vay lớn dành cho các nước nhỏ, Trung Quốc đang mở rộng tầm ảnh hưởng từ châu Á-Thái Bình Dương đến cả những khu vực xa xôi như Trung Đông và châu Phi. Tuy nhiên, các nước đã bắt đầu thức tỉnh trước những gánh nặng nợ nần.
"Ngoại giao bẫy nợ" của Trung Quốc: Đằng sau những khoản cho vay dễ dãi
Thông qua các khoản cho vay lớn dành cho các nước nhỏ, Trung Quốc đang mở rộng tầm ảnh hưởng từ châu Á-Thái Bình Dương đến cả những khu vực xa xôi như Trung Đông và châu Phi. Tuy nhiên, các nước đã bắt đầu thức tỉnh trước những gánh nặng nợ nần.
Các dự án nằm trong Sáng kiến Vành đai, Con đường bao gồm các dự án hạ tầng như cảng biển, đường sắt, cầu đường hay đường ống dẫn dầu, khí đốt. (Ảnh: AFP, PA, Reuters)
Vành đai, Con đường và những khoản cho vay "giá rẻ"
Sáng kiến "Vành đai và Con đường" được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố vào năm 2013 tại Kazakhstan và Indonesia. Đến nay, sáng kiến đã mở rộng phạm vi tới gần 70 quốc gia, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên tới 23.000 tỷ USD và dân số 4,4 tỷ người.
Nhằm vào các dự án thúc đẩy kết nối hạ tầng cơ sở như đường sắt, cảng biển, cầu đường, đường ống năng lượng, Trung Quốc đưa ra sáng kiến này không chỉ nhắm đến các nước đang phát triển mà cả những nước phát triển ở châu Âu và Bắc Mỹ.
"Vành đai và Con đường" gồm hai phần: vành đai kinh tế trên bộ và con đường tơ lụa trên biển, kết nối một số nước Đông Á, Trung Á, Trung Đông, Bắc Phi và châu Âu. Riêng con đường tơ lụa nối Trung Quốc với châu Âu đi qua Biển Đông và Ấn Độ Dương.
Sáng kiến Vành đai và Con đường gồm 2 phần là vành đai kinh tế trên bộ và con đường tơ lụa trên biển. (Đồ họa: Asia Times)
Về lý thuyết dự án sẽ được gần 70 quốc gia cùng đầu tư, nhưng trên thực tế đa số dự án là do các định chế Trung Quốc tài trợ, hay nói cách khác là dựa vào nguồn vốn vay từ Trung Quốc.
Trong 5 năm qua, các khoản đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tại các nước liên quan đã vượt 60 tỷ USD, và giá trị các dự án được các công ty Trung Quốc ký kết đạt tới 500 tỷ USD.
Điều đáng nói là, các khoản vay từ Trung Quốc đang trở thành gánh nặng với các quốc gia tham gia vào sáng kiến "Vành đai và Con đường", một số nước thậm chí có nguy cơ mất khả năng chi trả. Trong số 68 quốc gia nằm trong danh sách đối tác của dự án "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc thì có tới 27 quốc gia xếp hạng nằm trong diện có nguy cơ cao về nợ nần, trong khi 14 quốc gia khác thậm chí không được xếp hạng.
Tại Maldives, các dự án sân bay, cảng biển mới khiến quốc gia này ngập trong khoản nợ 1,25 tỷ USD từ Trung Quốc. Điều này đẩy nợ công của Maldives lên 75% GDP, trong đó 70% là nợ Trung Quốc. Tại Vanuatu, các khoản nợ từ Trung Quốc chiếm tới một nửa tổng nợ nước ngoài của quốc đảo.
Trung Quốc dùng "ngoại giao bẫy nợ" ở châu Á-Thái Bình Dương
Ở Djibouti, trong vòng 2 năm, Trung Quốc đã cho quốc gia này vay 1,4 tỷ USD, khiến nợ công tăng vọt từ 50% lên 85% GDP. Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc cũng cũng nắm khoảng một nửa số nợ công của Tajikistan và Kyrzgystan.
Các khoản vay từ Trung Quốc tuy có tiêu chuẩn thấp hơn nhiều so với các khoản vay từ các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhưng lại luôn đi kèm với những đánh đổi về lợi ích, từ quyền tiếp cận tài nguyên khoáng sản đến nhượng quyền sử dụng các tài sản giá trị cao như đất đai và cảng biển.
Do không thể trả khoản nợ với Trung Quốc, Sri Lanka buộc phải cho Trung Quốc thuê cảng biển chiến lược Hambantota trong 99 năm. Cảng Hambantota được đánh giá có vị trí chiến lược khi nằm giữa tuyến đường giao thương giữa Ấn Độ Dương, kết nối châu Âu, châu Phi, Trung Đông tới châu Á.
Cảng Mombasa của Kenya - cửa ngõ Đông Phi - cũng có nguy cơ tương tự khi Kenya vay Trung Quốc tới 3,8 tỷ USD để xây dựng một tuyến đường sắt.
Turkmenistan cũng đã phải cho Trung Quốc tiếp cận nguồn khí đốt tự nhiên sau khi gặp phải rắc rối với những khoản nợ.
Khoản vay xây dựng hạ tầng 2 tỷ USD từ Trung Quốc cũng có thể khiến Angola phải nhượng một phần kiểm soát hoạt động sản xuất dầu cho Bắc Kinh.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cảnh báo "bẫy nợ" của Trung Quốc. (Đồ họa: Đức Hoàng)
Căn cứ ở Djibouti là căn cứ quân sự đầu tiên của Trung Quốc ở nước ngoài. (Ảnh: Reuters)
Theo giới chuyên gia, với sáng kiến "Vành đai và Con đường", bằng việc tận dụng tầm ảnh hưởng tài chính, Trung Quốc cùng lúc đạt được hai mục đích.
Thứ nhất, nước này giải quyết được tình trạng dư thừa hàng hóa trong nước như thép bằng việc xuất khẩu sang các quốc gia vay nợ để thực hiện các dự án hạ tầng.
Thứ hai, qua sáng kiến này, Trung Quốc tìm cách đạt được các lợi ích chiến lược như mở rộng tầm ảnh hưởng ngoại giao, tiếp cận nguồn tài nguyên ở cả những vùng đất xa xôi.
Mạng lưới kết nối giao thông đường biển cũng giúp Trung Quốc giảm phụ thuộc vào các tuyến đường hàng hải hiện tại. Hiện khoảng 90% hoạt động giao thương của Trung Quốc thực hiện thông qua các tuyến đường biển đó và nằm ngoài tầm kiểm soát của Bắc Kinh. Sự hiện diện của Mỹ ở các vùng biển như Hoàng Hải, Hoa Đông, Biển Đông là rất lớn, khiến Trung Quốc vẫn bị phụ thuộc hoạt động đảm bảo an ninh của Hải quân Mỹ ở các khu vực này.
Ngoài những mục đích trên, các chuyên gia cũng cảnh báo, "Vành đai và Con đường" còn là cách để Trung Quốc mở rộng hiện diện quân sự trên toàn thế giới.
Nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, Ấn Độ, lo ngại rằng Trung Quốc tận dụng "Vành đai và Con đường" để tạo nên một "chuỗi ngọc trai" phòng thủ gồm một mạng lưới các bến cảng với mục đích kép cả thương mại và quân sự trải khắp cả khu vực lân cận và cả những khu vực xa xôi như Sừng châu Phi. Với lý do lập ra các lực lượng an ninh bảo vệ cho các dự án thương mại, Trung Quốc dễ dàng mở rộng hiện diện quân sự tại đây.
Tháng 8 năm ngoái, Trung Quốc đã mở cửa căn cứ quân sự ở Djibouti - căn cứ quân sự đầu tiên của họ ở nước ngoài. Trung Quốc đã lập ra một lực lượng an ninh đặc biệt gồm 150.000 binh sĩ luân phiên đảm bảo an ninh cho cảng Gwadar ở Pakistan và các dự án khác ở quốc gia này được xây dựng bằng tiền của Trung Quốc. Ngoài cảng Gwadar, Trung Quốc được cho là cũng đang phát triển một căn cứ không quân, hải quân hỗn hợp ở thành phố Jiwani của Pakistan hay căn cứ kép ở Hambantota, Sri Lanka.
Zhang Jie, nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, từng viết trong một bài báo hồi năm 2015 về chiến thuật "dân sự trước, quân sự sau" của Bắc Kinh. Theo chiến thuật này, các cảng thương mại do Trung Quốc xây dựng sẽ được phát triển dần dần thành các "căn cứ hỗ trợ chiến lược" nhằm giúp Bắc Kinh "kiểm soát các tuyến hàng hải then chốt và bảo vệ an ninh biển".
Cơn choàng tỉnh(Ảnh minh họa: Economist)
Sau 5 năm triển khai với một lượng tiền không nhỏ đổ vào sáng kiến "Vành đai và Con đường" dưới hình thức các khoản cho vay, Trung Quốc được cho là đã đạt được phần nào tham vọng tăng tầm ảnh hưởng kinh tế, chính trị, quân sự.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, tham vọng của Bắc Kinh khó tiến xa khi các nước bắt đầu nhận ra gánh nặng nợ nần từ những dự án không như mong đợi. Quá trình đấu thầu kín cho các dự án đã dẫn đến việc chi phí các hợp đồng bị thổi phồng, các công ty Trung Quốc đưa lao động nước họ đến làm việc thay vì thuê nhân công địa phương chưa kể đến việc hiệu quả của nhiều dự án chỉ là "trên giấy".
Chuyên gia Jan Weidenfeld thuộc Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator nhận định, nhiều quốc gia đã tỉnh ngộ sau những kỳ vọng ban đầu về các dự án mà Trung Quốc vẽ ra. "Có rất nhiều hứa hẹn đầu tư và cấp vốn, và rất ít trong số đó thực sự mang đến kết quả", ông Weidenfeld nói.
Malaysia đã hủy các dự án với tổng giá trị hợp đồng gần 23 tỷ USD với Trung Quốc. (Ảnh: Reuters, Tân Hoa xã)
Tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã chủ động đóng băng các dự án tỷ đô do Trung Quốc cấp vốn trong khuôn khổ sáng kiến "Vành đai và Con đường" ở nước này, trong đó có dự án đường sắt trị giá 20 tỷ USD và hai đường ống dẫn dầu trị giá 2,3 tỷ USD. Người đứng đầu chính phủ Malaysia tuyên bố, Malaysia không đủ khả năng chi trả cho các dự án này và cho rằng các dự án đó thực tế chỉ có lợi cho Trung Quốc.
Trước đó, Pakistan cũng cho biết sẽ đánh giá và đàm phán lại chi phí các dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc hỗ trợ trong Hành làng kinh tế Trung Quốc - Pakistan trị giá 62 tỷ USD.
Lo ngại gánh nặng nợ nần, Myanmar cũng mạnh tay giảm 80% quy mô dự án cảng nước sâu Kyaukpyu ở vùng duyên hải phía Tây nước này do Trung Quốc hỗ trợ vốn, từ 7,3 tỷ USD xuống còn 1,3 tỷ USD.
Đầu tháng 10 này, Sierra Leone đã trở thành quốc gia châu Phi đầu tiên hủy một dự án trị giá hơn 300 triệu USD với Trung Quốc vì lo ngại rơi vào bẫy nợ.
Nhà phân tích Sarah Grimmer của báo Financial Times cho rằng, xu hướng đó sẽ còn tiếp tục.
Các dự án các nước quyết định hủy do lo ngại khoản nợ với Trung Quốc. (Đồ họa: VOA)
Chuyên gia kinh tế Christopher Balding cho rằng, một số dự án trong sáng kiến "Vành đai, Con đường" không thành ở những quốc gia khi mà nỗi lo nợ nần được đẩy lên cao trào cùng với thời điểm nhạy cảm của các cuộc bầu cử và thay đổi quyền lực, như Pakistan, Malaysia hay Maldives.
"Người dân ở các quốc gia này đặc biệt lo ngại về gánh nặng nợ nần với Trung Quốc và tôi cho rằng đó là yếu tố đáng quan tâm", chuyên gia Balding nói.