1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Myanmar giảm 80% quy mô dự án cảng với Trung Quốc để tránh nợ

(Dân trí) - Chính quyền Myanmar đã thành công trong việc đàm phán với Trung Quốc để giảm 80% quy mô dự án cảng nước sâu nhằm tránh nguy cơ bị mắc nợ không có khả năng chi trả.

Cảng Kyauk Pyu tại Myanmar (Ảnh: SCMP)
Cảng Kyauk Pyu tại Myanmar (Ảnh: SCMP)

“Myanmar đã đạt được thành công lớn trong việc tái đàm phán dự án cảng nước sâu Kyaukpyu. Mô hình của Myanma trong việc xử lý dự án Kyaukpyu có thể được các quốc gia khác áp dụng”, Sean Turnell, cố vấn kinh tế của bà Aung San Suu Kyi - cố vấn nhà nước Myanmar, nói với hãng tin Nikkei.

Dự án cảng nước sâu Kyaukpyu ở phía tây bang Rakhine thuộc đặc khu kinh tế Kyaukpyu, một cảng tự nhiên nhìn ra Ấn Độ Dương và phù hợp cho việc neo đậu của các tàu cỡ lớn. Tại đây cũng có các đường ống dẫn dầu nối với Trung Quốc và một cảng cho phép các tàu chở dầu nặng 300.000 tấn neo đậu.

Myanmar và Trung Quốc đã đàm phán thành công và nhất trí giảm quy mô dự án từ 7,2 tỷ USD theo giá ban đầu xuống còn 1,3 tỷ USD. Một quan chức cấp cao của Myanmar cho biết quá trình thi công dự án Kyaukpyu vẫn được thực hiện theo 4 giai đoạn như kế hoạch ban đầu. Tuy nhiên giai đoạn tiếp theo sẽ chỉ được thực hiện khi các điều kiện cụ thể được đáp ứng.

Cả Myanmar và Trung Quốc đều rót vốn đầu tư vào dự án này. Một nhóm doanh nghiệp Trung Quốc do công ty đầu tư nhà nước Citic Group dẫn đầu sẽ nắm 70% cổ phần, trong khi chính quyền Myanmar và 42 công ty nội địa Myanmar nắm giữ phần còn lại.

Ngoài dự án cảng Kyaukpyu, Citic Group cũng dẫn đầu một nhóm đầu tư khác nhằm phát triển một khu công nghiệp trong đặc khu kinh tế Kyaukpyu. Công ty Trung Quốc đầu tư 2,7 tỷ USD với 51% cổ phần.

Mô hình dự án kết nối đặc khu kinh tế Kyaukpyu của Myanmar với Trung Quốc. (Ảnh: Nikkei)
Mô hình dự án kết nối đặc khu kinh tế Kyaukpyu của Myanmar với Trung Quốc. (Ảnh: Nikkei)

Theo Nikkei, việc giảm quy mô dự án cảng nước sâu với Trung Quốc có thể giúp Myanmar giảm bớt gánh nặng nợ nần trong khi vẫn giữ “thể diện” cho Trung Quốc sau khi một loạt dự án do Trung Quốc rót vốn đều gặp vấn đề ở Sri Lanka và Pakistan. Bắc Kinh coi đặc khu kinh tế Kyaukpyu là mắt xích quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường với mục tiêu kết nối các châu lục bằng mạng lưới hạ tầng cơ sở do Trung Quốc đầu tư ở các nước.

Chính quyền Myanmar đã giành được sự nhượng bộ từ phía Trung Quốc bằng cách đàm phán quyết liệt trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng lo ngại về tâm lý ngờ vực tại những nước nhận viện trợ theo Sáng kiến Vành đai và Con đường. Việc đàm phán thành công cũng cho phép Myanmar dễ dàng tiếp cận hơn với các dự án của Trung Quốc trong tương lai.

Bộ trưởng Kế hoạch và Tài chính Myanmar Soe Win ngày 9/9 đã ký biên bản ghi nhớ về Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Myanmar ở Bắc Kinh. Đây là văn kiện bao hàm các dự án hợp tác chung giữa hai nước trong 12 lĩnh vực từ giao thông vận tải, năng lượng cho tới thương mại.

Hầu hết các dự án phát triển tại thủ đô của Myanmar đều bắt nguồn từ Trung Quốc. Myanmar quyết định đàm phán lại với Trung Quốc về dự án cảng Kyaukpyu sau khi chứng kiến những gì xảy ra tại Sri Lanka. Trước đó, Sri Lanka buộc phải trao quyền điều hành một cảng cho Trung Quốc trong thời hạn 99 năm sau khi nước này không đủ khả năng thanh toán các khoản nợ cho Bắc Kinh.

“Việc chúng tôi phải chuyển nhượng quyền sở hữu cho Trung Quốc nếu hoạt động kinh doanh châm chạp hoặc không có khả năng thanh toán các khoản nợ hoàn toàn có khả năng xảy ra”, đại diện một công ty địa phương ở Myanmar cho biết.

Thành Đạt

Theo Nikkei

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm