1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc hoa mắt nhìn đâu cũng thấy đối thủ!

Truyền thông Trung Quốc cho rằng Đức thiết lập quan hệ quân sự với Đông Á và Đông Nam Á là nhằm vào Bắc Kinh.

Ngày 4/2, báo “Hoàn cầu” của Trung Quốc dẫn nguồn tin từ trang mạng “Chính sách Ngoại giao Đức” cho biết hôm 3/2, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tiếp đón trọng thị Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tới thăm nước này. Giới quan sát cho rằng Singapore là một trong những nước quan trọng nhất đối với xuất khẩu kỹ thuật quân sự của Đức.

Tờ báo Trung Quốc bình luận rằng “việc Đức cùng với phương Tây thiết lập quan hệ quân sự với khu vực Đông Á và Đông Nam Á rõ ràng là nhằm vào Trung Quốc”.
 
Thủ tướng Đức Angela Merkel tiếp ông Lý Hiển Long tại Berlin hôm 3/2

Thủ tướng Đức Angela Merkel tiếp ông Lý Hiển Long tại Berlin hôm 3/2

Theo đó, Singapore tuy là quốc gia nhỏ bé nhưng vị trí địa chính trị lại rất quan trọng, được coi là “cửa ngõ châu Á”. Có tới 30% thương mại trên biển và hơn 1/4 lượng dầu vận chuyển của thế giới đi qua eo biển Malacca.

Cách đây 10 năm, Mỹ và Singapore đã ký kết hiệp định khung chiến lược cùng sử dụng căn cứ hải quân. Bây giờ đến lượt Đức không ngừng nâng cấp hợp tác quân sự với Singapore.

Theo số liệu thống kê những năm gần đây, Singapore đã trở thành 1 trong 10 khách hàng lớn mua vũ khí của Đức, thậm chí còn đứng đầu danh sách trên trong 4 tháng đầu năm 2014. Năm ngoái, Singapore còn đặt mua 2 tàu ngầm của Đức với giá trị hợp đồng khoảng 1,7 tỷ euro.

Trang mạng “Chính sách ngoại giao Đức” cho rằng bắt đầu từ năm 2016, Singapore sẽ mỗi năm 2 lần cử 500 lính đến huấn luyện ở căn cứ xe tăng thực chiến của Đức. Quân đội 2 nước còn định kỳ thăm viếng lẫn nhau.
 
Lính hải quân Singapore trong chiến dịch tìm kiếm máy bay MH370

Lính hải quân Singapore trong chiến dịch tìm kiếm máy bay MH370

Đối với Trung Quốc, Malacca luôn là một vấn đề hết sức nhạy cảm. Chẳng vậy mà hồi tháng 3/2014, các tàu chiến Trung Quốc tham gia tìm kiếm chiếc máy bay MH370 bị mất tích của Malaysia đã tìm cách di chuyển đến eo biển Malacca, thậm chí còn “vòng vèo” đến tận Vịnh Belgan để thăm dò Ấn Độ.

Ngày 15/3/2014, tàu khu trục trang bị tên lửa Hải Khẩu đã đến phía Đông eo biển Malacca sau hơn 70 giờ tìm kiếm chiếc máy bay Boeing 777-200 mang số hiệu MH370 của Malaysia Airlines ở vịnh Thái Lan. Tàu Hải Khẩu phối hợp với tàu tuần tra Hải Tuần 31 của Trung Quốc hoạt động trong khu vực. Một tàu khác của Trung Quốc mang tên Vịnh Hưng Đảo, trang bị các robot lặn và xuồng cứu hộ, cũng đến eo biển Malacca sau khi kết thúc tìm kiếm ở phía Đông vịnh Thái Lan.

Khi đó, Trung Quốc còn cử các tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn, Côn Lôn Sơn và khinh hạm trang bị tên lửa Miên Dương tham gia tìm kiếm trên một khu vực rộng khoảng 8.200 km2.

Kết nối Ấn Độ Dương với Biển Đông và Thái Bình Dương, eo biển Malacca là tuyến hàng hải ngắn nhất gắn kết nguồn năng lượng chủ chốt ở Trung Đông với các nước tiêu thụ lớn như Trung Quốc. Khoảng 80% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc đi qua Malacca. Chính vì vậy, eo biển này là vấn đề luôn hết sức nhạy cảm đối với Bắc Kinh.
 
Tàu khu trục Hải Khẩu của Trung Quốc

Tàu khu trục Hải Khẩu của Trung Quốc

Eo Malacca nằm giữa ba nước Singapore, Malaysia và Indonesia, với chỗ hẹp nhất chỉ cách nhau 2,7 km. Hải quân Mỹ thường xuyên hoạt động tại đây đang trở thành một “dải đá ngầm” đối với Trung Quốc. Ngoài ra, liên quan tới Malacca, Trung Quốc cũng coi 3 nước “chủ nhà” là đối thủ tiềm tàng.

Hồi tháng 5/2009, báo chí Trung Quốc thậm chí còn đưa tin rầm rộ về việc Việt Nam tăng cường sức mạnh hải quân và bình luận rằng đó là động thái nhằm uy hiếp eo Malacca!

Tờ "Quốc tế tiên khu đạo báo" của Trung Quốc khi đó đưa tin Việt Nam trở thành khách hàng mua vũ khí lớn thứ năm của Nga trên thế giới sau Ấn Độ, Algeria, Venezuela và Trung Quốc. Về hải quân, trên cơ sở 4 tàu tên lửa lớp "Nhện độc" mua của Nga đầu năm 2007 và theo thỏa thuận chung Việt-Nga, Việt Nam sẽ tự sản xuất thêm 10 tàu cao tốc chở tên lửa lớp "Tia sét".

Cũng theo báo Trung Quốc, trước năm 2010, Nga còn chuyển giao cho Việt Nam 2 tàu hộ vệ lớp "Báo săn" với tổng trị giá 350 triệu USD. Thông tin Việt Nam mua 6 tàu ngầm lớp Kilo của Nga với tổng trị giá 1,8 tỷ USD cũng được tờ báo này dẫn ra.

Về không quân, báo Trung Quốc khi đó đưa tin ngoài 13 chiếc Su-27 và 4 chiếc Su-30, Việt Nam còn nhập về từ Nga 12 chiếc Su-30MK2, nâng tổng số máy bay chiến đấu thế hệ thứ 11 của Việt Nam lên 29 chiếc. Bên cạnh đó, báo Trung Quốc cũng tỏ rõ sự lo ngại đối với hệ thống tên lửa chống tàu thế hệ mới K300P của Việt Nam với tầm bắn lên đến 300 km.

Theo tờ báo Trung Quốc, lực lượng của Việt Nam đủ khả năng phong tỏa cục bộ cửa ngõ phía Đông của eo Malacca. Chính vì vậy, báo chí Trung Quốc lo ngại nếu xảy ra xung đột ở Biển Đông thì Việt Nam sẽ huy động lực lượng tàu ngầm phong tỏa đường biển xuống phía Nam của Trung Quốc.

Theo Đông Triều
Đất Việt