1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc, Hàn Quốc tranh cãi vì lá chắn phòng không "sát thủ" của Mỹ

Đức Hoàng

(Dân trí) - Trung Quốc và Hàn Quốc nổ ra tranh cãi liên quan tới việc Seoul đặt lá chắn tên lửa THAAD do Mỹ sản xuất trên lãnh thổ, động thái khiến Trung Quốc quan ngại sâu sắc.

Trung Quốc, Hàn Quốc tranh cãi vì lá chắn phòng không sát thủ của Mỹ - 1

Hệ thống phòng thủ THAAD (Ảnh: Reuters).

Theo Reuters, tranh cãi đã nổ ra giữa Trung Quốc và Hàn Quốc hôm 11/8 vì Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ. Diễn biến này có thể làm ảnh hưởng tới nỗ lực của chính phủ mới tại Hàn Quốc nhằm vượt qua các bất đồng an ninh với Trung Quốc kéo dài trong thời gian qua.

THAAD đã châm ngòi căng thẳng ngoại giao Trung - Hàn vào năm 2016. Trung Quốc lo ngại rằng việc Hàn Quốc đặt THAAD do Mỹ sản xuất trên lãnh thổ là mối đe dọa tới an ninh của Bắc Kinh. Trung Quốc đã áp đặt lệnh hạn chế xuất khẩu thương mại và văn hóa lên Hàn Quốc.

Văn phòng tổng thống Hàn Quốc hôm nay tuyên bố, việc nước này đặt THAAD trên lãnh thổ là hành động nhằm tự vệ, sau khi phía Trung Quốc yêu cầu Seoul không lắp đặt thêm bất kỳ khẩu đội tên lửa nào và hạn chế sử dụng các tổ hợp hiện có.

Phía Hàn Quốc tuyên bố THAAD là vấn đề sẽ không bao giờ có thể mang ra đàm phán. Tổng thống mới nhậm chức Yoon Suk-yeol coi THAAD là chìa khóa để ngăn chặn mối đe dọa tên lửa của Triều Tiên. Ông Yoon đã tuyên bố sẽ không làm theo lời hứa của chính phủ tiền nhiệm về việc không tăng cường triển khai THAAD, không tham gia vào sáng kiến lá chắn tên lửa toàn cầu do Mỹ dẫn đầu hoặc không thành lập một liên minh quân sự 3 bên có sự tham gia của cả Nhật Bản.

Khi tranh cử, ông Yoon thậm chí đã tuyên bố sẽ mua thêm một hệ thống THAAD.

Diễn biến này xảy ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị gặp nhau hôm 9/8 trong nỗ lực tìm cách mở lại các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Triều Tiên và nối lại xuất khẩu văn hóa, ví dụ như nhạc K-pop và phim, sang Trung Quốc.

Một phát ngôn viên của ông Vương Nghị hôm 10/8 nói rằng, hai bên đã "đồng ý coi trọng các mối quan tâm chính đáng của nhau và tiếp tục xử lý thận trọng và quản lý đúng đắn vấn đề này để đảm bảo nó không trở thành trở ngại cho sự phát triển lành mạnh và ổn định của quan hệ song phương".

Quan chức trên nói rằng, việc triển khai THAAD ở Hàn Quốc "làm suy yếu lợi ích an ninh chiến lược của Trung Quốc".

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Lee Jong-sup cho biết chính sách về THAAD của nước này sẽ không thay đổi vì sự phản đối của Trung Quốc và radar của hệ thống sẽ không được sử dụng để chống lại Trung Quốc.

"Các khẩu đội hiện tại không có bất cứ vai trò nào trong hoạt động phòng thủ của Mỹ mà được đặt ở vị trí mà nó chỉ có thể bảo vệ bán đảo Triều Tiên", ông Lee nhấn mạnh.

THAAD gồm 6 bệ phóng di động, 48 thiết bị đánh chặn, 1 radar X-band và hệ thống kiểm soát, có thể chặn các loại tên lửa tầm ngắn và tầm trung với tầm bắn lên tới 3.000 km ở độ cao 40-150 km. Đây được coi là một trong những hệ thống phòng thủ uy lực nhất thế giới, được xem như "sát thủ" diệt hỏa lực đối phương. 

Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ

Theo Reuters