1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc có thể dùng "lá bài" phi hạt nhân buộc Mỹ rút THAAD khỏi Hàn Quốc

(Dân trí) - Giới chuyên gia cho rằng Bắc Kinh có thể sử dụng thỏa thuận về phi hạt nhân hóa giữa Triều Tiên và Mỹ để thúc đẩy việc Washington rút hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD khỏi Hàn Quốc.

Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ

Hệ thống THAAD (Ảnh: Reuters)
Hệ thống THAAD (Ảnh: Reuters)

Trung Quốc dường như sẽ sử dụng tuyên bố chung giữa Mỹ và Triều Tiên tại hội nghị thượng đỉnh ngày 12/6 tổ chức tại Singapore để gây sức ép buộc Mỹ mang hệ thống THAAD về nước, dù Bắc Kinh có thể sẽ mất nhiều thời gian để thực hiện mục tiêu này.

Trước đó, Trung Quốc từng tuyên bố rằng việc triển khai THAAD ở Hàn Quốc "ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích an ninh chiến lược của Trung Quốc”.

Chuyên gia quân sự Ni Lexiong ở Thượng Hải cho rằng “Trung Quốc đã hỗ trợ Mỹ” ít nhiều trong việc đưa Triều Tiên tới bàn đàm phán, vì vậy họ có thể đưa ra vấn đề THAAD để trao đổi với Mỹ trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tới Bắc Kinh vào ngày 14/6.

Năm 2016, Hàn Quốc cho biết sẽ triển khai THAAD, viện dẫn mối đe dọa từ chương trình hạt nhân Triều Tiên ngày càng tăng. Việc lắp đặt các tổ hợp đã hoàn thiện từ năm ngoái.

“Rất có thể THAAD là công cụ nhằm gây áp lực cho Trung Quốc để Bắc Kinh chịu hợp tác với Mỹ gia tăng lệnh trừng phạt Triều Tiên. Nếu như suy luận này là đúng, thì Trung Quốc chắc chắn sẽ yêu cầu Mỹ rút THAAD khỏi Seoul”, ông Ni nhận định.

Giáo sư Li Bin, chuyên gia về vũ trang tại đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh cho rằng việc tháo dỡ THAAD phụ thuộc vào quá trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên. Mỹ và Hàn Quốc chỉ rút lá chắn tên lửa nếu Triều Tiên từ bỏ các tên lửa tầm xa có thể gây ra mối đe dọa tới Seoul. Điều này rõ ràng là một quá trình rất dài và không kém phần phức tạp.

“Tuyên bố chung Mỹ-Triều không làm rõ mục tiêu hay các mốc thời gian để phi hạt nhân hóa, số phận của các tên lửa cũng hoàn toàn không được đề cập. Mỹ dường như sẽ không đồng ý rút THAAD một cách dễ dàng”, ông Li nói.

Quan ngại lớn nhất của Trung Quốc là hệ thống radar mạnh mẽ của THAAD có thể giám sát các hoạt động tên lửa của Bắc Kinh. Vì vậy, họ đã phản ứng quyết liệt với Hàn Quốc khi quốc gia này đồng ý cho Mỹ triển khai THAAD trong lãnh thổ bằng hàng loạt các biện pháp trả đũa không chính thức, nhằm gây ảnh hưởng tới ngành công nghiệp du lịch, mĩ phẩm và giải trí Hàn Quốc, cũng như các công ty của Seoul đang vận hành tại Trung Quốc.

Quan hệ giữa Trung Quốc và Hàn Quốc giảm nhiệt từ cuối năm ngoái khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cam kết THAAD sẽ không ảnh hưởng tới lợi ích an ninh chiến lược của Trung Quốc.

Nhà quan sát Zhou Chenming cho rằng Bắc Kinh dường như sẽ sử dụng vấn đề tên lửa Triều Tiên làm “lá bài” trong các cuộc đối thoại với Mỹ sau này.

Ngoài ra, Tổng thống Trump còn tuyên bố rằng Mỹ sẽ dừng tập trận quân sự với Hàn Quốc tại bán đảo Triều Tiên và cân nhắc việc rút hàng chục ngàn quân nhân Mỹ về nước. Ông Zhou cho rằng nếu Mỹ rút quân thì THAAD sẽ không còn lý do nào để ở lại Hàn Quốc. Tuy nhiên, chưa có gì có thể chắc chắn về việc này, khi thông điệp rút quân mà ông Trump đưa ra dường như gây bất ngờ cho các bên và có lẽ chưa thể trở thành hiện thực một sớm một chiều.

Đức Hoàng

Theo SCMP