1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Trung Quốc giận dữ đáp trả loạt chỉ trích của G7

Thành Đạt

(Dân trí) - Trung Quốc cáo buộc G7 "thao túng chính trị" sau khi nhóm này chỉ trích Bắc Kinh về một loạt vấn đề.

Trung Quốc giận dữ đáp trả loạt chỉ trích của G7 - 1

Các nhà lãnh đạo G7 họp thượng đỉnh tại Anh (Ảnh: Getty).

Trong một thông cáo sau hội nghị thượng đỉnh kéo dài 3 ngày ở Anh, các nhà lãnh đạo G7 ngày 13/6 đã chỉ trích Trung Quốc về các hành vi lạm dụng đối với cộng đồng người thiểu số ở khu vực Tân Cương và các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ ở Hong Kong, trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi Bắc Kinh "bắt đầu hành động có trách nhiệm hơn dựa trên các chuẩn mực quốc tế về quyền con người".

Đại sứ quán Trung Quốc tại Anh đã có phản ứng giận dữ, cáo buộc G7 can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.

"Nhóm G7 lợi dụng các vấn đề liên quan đến Tân Cương để thao túng chính trị và can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, điều mà chúng tôi kiên quyết phản đối", người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc cho biết trong tuyên bố phát đi hôm nay 14/6.

Tuyên bố của phía Trung Quốc cáo buộc G7 đưa ra những "lời dối trá, tin đồn và cáo buộc vô căn cứ".

Mỹ và các nước phương Tây nhiều lần cáo buộc Trung Quốc bắt giữ và ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ và các cộng đồng Hồi giáo tại Tân Cương.

Liên Hợp Quốc ước tính hơn 1 triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ bị bắt giữ tại các trại cải tạo ở Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh phủ nhận cái gọi là trại cải tạo cũng như cáo buộc ngược đãi, khẳng định người Duy Ngô Nhĩ vào các trung tâm giáo dục nghề nghiệp này là hoàn toàn tự nguyện.

Trong tuyên bố chung, G7 khẳng định sẽ "thúc đẩy các giá trị của mình, bao gồm việc kêu gọi Trung Quốc tôn trọng các quyền tự do cơ bản".

Tại hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên sau gần 2 năm, các nhà lãnh đạo G7 cuối tuần qua đã công bố một số cam kết về tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19, biến đổi khí hậu, thương mại.

G7 cũng kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra mới ở Trung Quốc về nguồn gốc của Covid-19. Đại sứ quán Trung Quốc đáp trả rằng, việc tìm hiểu nguồn gốc dịch bệnh cần được thực hiện một cách "khoa học, khách quan, công bằng", đồng thời tuyên bố Bắc Kinh không đồng ý tiến hành một cuộc điều tra mới.

"Dịch bệnh hiện nay vẫn đang hoành hành trên khắp thế giới, và công việc truy tìm nguồn gốc nên được thực hiện bởi các nhà khoa học toàn cầu và không nên bị chính trị hóa", Đại sứ quán Trung Quốc cho biết.

Ca mắc Covid-19 đầu tiên được ghi nhận ở miền trung Trung Quốc vào cuối năm 2019. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cử một nhóm chuyên gia quốc tế tới Vũ Hán để điều tra nguồn gốc của dịch bệnh vào đầu năm nay.

Tuy nhiên, báo cáo của WHO được công bố hồi tháng 3 không đưa ra kết luận cụ thể về nguồn gốc dịch bệnh. Cuộc điều tra kể từ đó đã vấp phải sự chỉ trích vì thiếu minh bạch và không được tiếp cận đầy đủ dữ liệu.

G7 tuần trước cũng công bố một sáng kiến cơ sở hạ tầng mới mà Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng sẽ "công bằng hơn nhiều" so với Sáng kiến Vành đai và Con đường khổng lồ của Trung Quốc.

Đại sứ quán Trung Quốc phản bác rằng "những cáo buộc chống lại Trung Quốc về các vấn đề kinh tế và thương mại trong thông cáo chung của G7 là không đúng sự thật và vô lý".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm