G7 kêu gọi tiếp tục điều tra nguồn gốc Covid-19 ở Trung Quốc
(Dân trí) - Các nhà lãnh đạo G7 kêu gọi một cuộc điều tra giai đoạn 2 minh bạch về nguồn gốc Covid-19 tại Trung Quốc.
"Chúng tôi kêu gọi một cuộc nghiên cứu giai đoạn 2 kịp thời, minh bạch, được dẫn dắt bởi các chuyên gia và dựa trên cơ sở khoa học về nguồn gốc Covid-19 ở Trung Quốc do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dẫn đầu, theo khuyến nghị trong báo cáo của các chuyên gia", Nhóm 7 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G7) nhấn mạnh trong tuyên bố chung ngày 13/6, sau hội nghị thượng đỉnh kéo dài 3 ngày ở Cornwall, Anh.
Tuyên bố chung của G7 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Canada và Italy) nêu chi tiết các kế hoạch đối phó với đại dịch Covid-19 trên quy mô toàn cầu, bao gồm một cuộc điều tra về nguồn gốc virus ở Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo G7 nhấn mạnh việc "điều tra, báo cáo và ứng phó với nguồn gốc dịch bệnh".
Ngày 12/6, sau cuộc họp trực tuyến với các nhà lãnh đạo G7, Tổng giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus kêu gọi Trung Quốc hợp tác trong cuộc điều tra về nguồn gốc virus gây đại dịch Covid-19. Ông Tedros cho biết các nhà lãnh đạo G7 đã thảo luận về vấn đề nguồn gốc Covid-19 tại hội nghị thượng đỉnh ở Anh.
"Chúng tôi cần sự minh bạch để hiểu, biết hoặc tìm ra nguồn gốc của loại virus này, sau khi báo cáo cho thấy có những khó khăn trong việc chia sẻ dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu thô", ông Tedros cho biết.
Nhóm chuyên gia quốc tế do WHO dẫn đầu hồi tháng 2 đã tới thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, nơi phát hiện các ca nhiễm đầu tiên, để điều tra nguồn gốc Covid-19. Báo cáo điều tra sau đó đưa ra 4 giả thuyết, trong đó giả thuyết được xác định nhiều khả năng xảy ra nhất là virus có nguồn gốc tự nhiên, lây từ động vật nhiễm bệnh sang người, và giả thuyết khó xảy ra nhất là virus thoát ra từ phòng thí nghiệm.
Nhiều nước, dẫn đầu là Mỹ, cho rằng kết luận này chưa thỏa đáng và bị hạn chế bởi sự thiếu minh bạch của Bắc Kinh, do vậy đề nghị mở rộng điều tra nguồn gốc đại dịch ở Trung Quốc, đồng thời kêu gọi Trung Quốc minh bạch hơn nữa. Tuy nhiên, Trung Quốc tuyên bố đã hoàn thành trách nhiệm và giai đoạn tiếp theo sẽ là điều tra ở các nơi khác trên thế giới.
Người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Anh ngày 13/6 đã ra tuyên bố, khẳng định "thời kỳ một nhóm nhỏ quốc gia quyết định các vấn đề toàn cầu đã qua từ lâu". Bắc Kinh cho rằng "các vấn đề thế giới nên được giải quyết thông qua sự tham vấn của tất cả quốc gia".
Tuyên bố chung của G7 cũng đề cập tới hàng loạt vấn đề "nóng" liên quan tới Trung Quốc.
Các nhà lãnh đạo G7 kêu gọi Trung Quốc tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản, đặc biệt liên quan đến Tân Cương và Hong Kong. G7 nhấn mạnh "tầm quan trọng của hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan, đồng thời khuyến khích giải quyết hòa bình các vấn đề xuyên eo biển".
"Chúng tôi vẫn quan ngại sâu sắc về tình hình ở Biển Đông, Biển Hoa Đông và phản đối mạnh mẽ bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng", tuyên bố của G7 nêu rõ.