1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc gia cố hải quân hướng Biển Đông

Trung Quốc gia cố căn cứ, tăng sức mạnh hải quân hướng Biển Đông nhằm đe dọa các nước, ngăn chặn Mỹ và thực hiện tham vọng biển xa.

Giới phân tích quân sự cho rằng trong số 3 hạm đội Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải, Trung Quốc sẽ đầu tư mạnh cho hạm đội thứ ba nhằm ngăn chặn Mỹ và thể hiện sức mạnh trước các quốc gia trong khu vực.

Theo báo chí Hong Kong, do rút ra bài học từ vụ Mỹ đưa cụm tàu sân bay phô trương sức mạnh tại Eo biển Đài Loan hồi năm 1996, nên Trung Quốc đặc biệt chú ý tăng cường binh lực tại khu vực Biển Đông nhằm ngăn chặn Hải quân Mỹ đi qua Eo biển Malacca tiến vào Eo biển Đài Loan.

Trung Quoc gia co hai quan huong Bien Dong

Tàu khu trục và tàu sân bay hải quân Mỹ trên Biển Đông

Một lý do khác khiến Trung Quốc tăng cường hải quân ở Biển Đông là vì vùng biển rộng lớn và sâu này là nơi ẩn nấp lý tưởng cho tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc, tránh sự theo dõi bằng máy bay tuần tra chống ngầm của Mỹ và Nhật Bản.

Trong 10 năm gần đây, PLA không ngừng mở rộng xây dựng căn cứ hải quân ở vịnh Á Long (gần Thành phố Tam Á phía Nam tỉnh đảo Hải Nam của Trung Quốc). Các chuyên gia quân sự quốc tế thậm chí cho rằng, Trung Quốc đang âm mưu biến nơi đây thành “Guam” ở Biển Đông.

Hình ảnh do vệ tinh của Mỹ cung cấp cho thấy PLA đang xây dựng căn cứ tàu ngầm hạt nhân có quy mô lớn nhất khu vực châu Á tại vịnh Á Long, trong đó bao gồm các hang động cỡ lớn được gia cố bằng bê tông để giấu tàu ngầm hạt nhân.

Giới phân tích nhận định khi khu vực Biển Đông xảy ra xung đột quân sự, căn cứ hải quân tại đảo Hải Nam này sẽ là cứ điểm lý tưởng để PLA thực hiện cuộc tấn công, đồng thời cũng là trận địa tiền duyên để ngăn chặn các cụm tàu sân bay của Mỹ tiến về phía Bắc xâm nhập Eo biển Đài Loan.

Trung Quoc gia co hai quan huong Bien Dong

Tàu khu trục Type 052D Côn Minh của Trung Quốc

Những năm qua, Hạm đội Nam Hải của PLA được ưu tiên trang bị nhiều trang thiết bị vũ khí hiện đại như hồi cuối năm 2007, hạm đội này được trang bị tàu đổ bộ cỡ lớn Type 071 lớp “Côn Lôn Sơn”. Đây là tàu đổ bộ cỡ lớn nhất và hiện đại nhất của PLA hiện nay với lượng giãn nước 18.500 tấn.

Trong năm 2011 và năm 2012, hạm đội này được trang bị thêm 2 tàu đổ bộ cỡ lớn lớp “Cảnh Cương Sơn” và “Trường Bạch Sơn”.

Đến tháng 3/2014, Hạm đội Nam hải được ưu tiên trang bị trước tàu khu trục tên lửa thế hệ mới Type 052D mang tên “Côn Minh”. Dự kiến chiếc thứ hai thuộc loại “Aegis” của Trung Quốc sẽ tiếp tục được bàn giao cho Hạm đội Nam Hải trong năm nay và thêm 2 chiếc khác vào năm 2016.

Với 4 chiếc Type 052D được trang bị hệ thống radar 346A cải tiến vốn được sánh ngang với những chiếc khu trục Aegis lớp “Arleigh Burke” của Mỹ, đây sẽ là lực lượng nòng cốt trong các nhiệm vụ hộ tống và phòng không của các tàu sân bay của Trung Quốc tại Biển Đông.

Trung Quoc gia co hai quan huong Bien Dong

Trung Quốc tăng cường tàu ngầm từ phía Bắc xuống Biển Đông

Ngoài ra, Hạm đội Nam Hải hiện là hạm đội sở hữu nhiều tàu ngầm hạt nhân kiểu mới nhất trong số 3 hạm đội của PLA với các tàu ngầm tấn công Type 093, tàu ngầm tên lửa chiến lược Type 094…

Việc điều động tàu ngầm hạt nhân vốn chủ yếu được bố trí ở các cảng phía Bắc như tại Thanh Đảo (tỉnh Sơn Đông) đến đảo Hải Nam, được giới phân tích coi là động thái nhằm răn đe các nước xung quanh Biển Đông, nhất là các nước có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc.

Bên cạnh đó, khi cần thiết Trung Quốc có thể sử dụng làm lực lượng chủ lực ngăn chặn các cụm tàu sân bay của Mỹ tiến về phía Bắc.

Trung Quốc muốn lợi dụng Biển Đông với độ sâu trung bình lên tới 200m để tàu ngầm phát huy tốt hơn tính năng tàng hình, tránh sự theo dõi của Mỹ và Nhật Bản như tại khu vực biển Hoa Đông và Hoàng Hải.

Cùng với việc sử dụng căn cứ ở Hải Nam để đe dọa các nước trong khu vực, ngăn chặn hải quân Mỹ, Trung Quốc cũng muốn dùng bàn đạp này để tiến xa hơn về phía Ấn Độ Dương tới tận khu vực Vịnh Aden, mở rộng hoạt động về phía Tây.

Theo Anh Việt

Đất Việt

Trung Quốc gia cố hải quân hướng Biển Đông - 4