1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc đưa tàu lặn Giao Long thám sát Biển Đông với mục đích gì?

Tân Hoa xã ngày 9/5 cho biết, thủy thủ đoàn 3 người của tàu lặn Giao Long, đang nghiên cứu các dữ liệu về địa lý và đa dạng sinh học của Biển Đông, chuẩn bị cho sứ mệnh khoa học đầu tiên ở vùng biển sâu của con tàu lặn này trong tháng 6 tới.

Tàu lặn Giao Long của Trung Quốc

Tàu lặn Giao Long của Trung Quốc

Theo dự kiến, đoàn thủy thủ sẽ rời cảng Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc vào ngày 5/6 tới cho sứ mệnh kéo dài 103 ngày.

Được biết, nhóm thủy thủ đoàn có độ tuổi trong khoảng từ 29 – 34 tuổi là những người đã trực tiếp tham gia vào quá trình phát triển, thử nghiệm tàu lặn đầu tiên do Trung Quốc tự thiết kế, chế tạo này.

Người lớn tuổi nhất, đồng thời người duy nhất được đào tạo ở nước ngoài là Ye Cong. Năm 2005, ông Ye đã từng tham gia một khóa tập huấn ngắn hạn lặn xuống độ sâu lớn trên tàu Alvin – tàu lặn sâu nhất có người lái hiện nay của Mỹ.

Người trẻ tuổi nhất trong đội là Tang Jiajun. Tang gia nhập đội thủy thủ tàu Giao Long từ năm 2007 và đã trải qua nhiều lần huấn luyện lặn cùng con tàu này. Tang nói: ""Chạm tới mặt trăng và bắt được rùa dưới đáy biển sâu" là 2 giấc mơ thể hiện trong một bài thơ của cố Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông và nay, cùng với Giao Long và tàu thám hiểm Mặt trăng Hằng Nga - 2, người Trung Quốc đang tiến gần tới việc thực hiện giấc mơ này".

Được thiết kế với khả năng lặn sâu 7.000m, tàu lặn Giao Long - tên một loài rồng biển thần thoại của Trung Quốc, hồi cuối tháng 6/2012, trong 6 chuyến lặn thử nghiệm của mình tại rãnh Mariana ở Tây bắc Thái Bình Dương, đã đạt đến độ sâu 7.062 mét. Thành tích này không chỉ giúp Trung Quốc gia nhập hàng ngũ các quốc gia sở hữu tàu lặn có thể khảo sát các vùng biển sâu, gồm Mỹ, Nhật Bản, Pháp và Nga mà còn đưa Trung Quốc vượt qua các khả năng hiện tại của Mỹ và đặt một dấu mốc trong cuộc chạy đua khám phá nguồn tài nguyên to lớn còn tiềm ẩn ở những vùng sâu nhất của các đại dương trên thế giới.

Ngay cả tàu lặn sâu nhất hiện nay của Mỹ là Alvin, hạ thủy năm 1964 nhưng chỉ có thể lặn tới tối đa là 4.500m. Phiên bản nâng cấp, được thiết kế để lặn ở độ sâu 6.500m, phải đến 2015 mới hoàn thiện. Tàu lặn Shinkai của Nhật Bản cũng chỉ có thể lặn tới 6.500m và tàu Mir của Nga với độ sâu tới 6.000m, đã được dùng để cắm cờ Nga dưới đáy đại dương ở Bắc Cực năm 2007.

Khi đó, Nhân dân nhật báo đã dẫn lời Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc tuyên bố, khả năng của tàu Giao Long cho phép Trung Quốc có khả năng thám sát đến 99% đáy biển trên thế giới.

Theo đánh giá của các nhà phân tích, mục đích cơ bản của Giao Long là giúp khám phá các trữ lượng kim loại và tài nguyên thiên nhiên khác vốn có trữ lượng lớn dưới đáy biển mà Trung Quốc rất cần để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhưng cho đến nay vẫn không thể tiếp cận.

Trong khi đó, với “đường lưỡi bò” tự vẽ ra cùng một loạt động thái quyết liệt khẳng định cái gọi là “chủ quyền” ở Biển Đông, Bắc Kinh đang nuôi một tham vọng rất lớn trên vùng biển này. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc ước lượng rằng Biển Đông có trữ lượng dầu khí hơn 213 tỷ thùng – tương đương với ít nhất 80% trữ lượng của Arab Saudi. Trung Quốc hiện lại là quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới và phải nhập khẩu hơn phân nửa nhu cầu năng lượng trong nước. Do đó, không loại trừ việc đưa tàu lặn Giao Long tới thám sát đáy Biển Đông cũng là một động thái nhằm thực hiện ý đồ biến Biển Đông thành “ao nhà” này của Trung Quốc. Con tàu này hoàn toàn có thể được Trung Quốc sử dụng trong các hoạt động quân sự như vẽ bản đồ đáy biển, tăng năng lực hoạt động cho tàu ngầm, thâm nhập cáp thông tin của các nước để do thám...

Theo Minh Châu
Petrotimes