1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Trung Quốc đối mặt với sự giận dữ tại Đại hội đồng Y tế Thế giới

(Dân trí) - Căng thẳng giữa các quốc gia với Trung Quốc về cách ứng phó đại dịch Covid-19 có thể sẽ phủ bóng lên cuộc họp Đại hội đồng Y tế Thế giới diễn ra trong 2 ngày tới.

Trung Quốc đối mặt với sự giận dữ tại Đại hội đồng Y tế Thế giới - 1
Cuộc họp thường niên lần thứ 73 của Đại hội đồng Y tế Thế giới có sự tham gia của đại diện từ 194 quốc gia thành viên. (Ảnh: AFP)

Cuộc họp thường niên Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ diễn ra hôm nay 18/5 và ngày mai 19/5 tại Geneva, Thụy Sĩ. Đây là cuộc họp đầu tiên của WHA kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát và lan khắp toàn cầu.

Cuộc họp trực tuyến với sự tham gia của 194 quốc gia thành viên nhằm thảo luận biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng Covid-19. Tuy nhiên, cuộc họp được dự đoán sẽ rất căng thẳng và khó đạt được tiếng nói chung trong bối cảnh Mỹ và nhiều quốc gia khác chỉ trích cách ứng phó của Trung Quốc, đồng thời kêu gọi một cuộc điều tra độc lập đối với Bắc Kinh.

Trong khi Mỹ đưa ra chỉ trích Trung Quốc gần như hàng ngày trong thời gian gần đây, trong đó có cáo buộc Bắc Kinh giấu dịch hay virus gây Covid-19 thoát ra từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, Australia và Liên minh châu Âu (EU) thúc đẩy một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của virus.

Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã khiến mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ - Trung Quốc căng thẳng. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước cảnh báo cắt hoàn toàn quan hệ với Bắc Kinh và có thể áp thêm thuế đối với hàng hóa của Trung Quốc.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng trả đũa các nước kêu gọi điều tra độc lập về Covid-19, đặc biệt là Australia. Trung Quốc dọa tẩy chay hàng hóa của Australia và đã ngừng nhập khẩu sản phẩm của 4 nhà máy chế biến thịt của Australia vì “lý do kỹ thuật”. Chính phủ Australia gọi sự đe dọa tẩy chay này của Bắc Kinh là “cưỡng bức kinh tế” và tuyên bố không từ bỏ nỗ lực kêu gọi điều tra.

“Tôi cho rằng Australia, Mỹ, Anh và tất cả các nước trên thế giới đều muốn biết chuyện gì đã xảy ra bởi vì chúng ta không muốn chuyện đó lặp lại”, Thủ tướng Australia Scott Morrison phát biểu với phóng viên hôm 8/5.

Trung Quốc đối mặt với sự giận dữ tại Đại hội đồng Y tế Thế giới - 2
Thủ tướng Australia Scott Morrison (Ảnh: Reuters)

Theo hãng tin ABC News của Australia, EU đã đưa ra dự thảo nghị quyết kêu gọi "đánh giá toàn diện, độc lập phản ứng của quốc tế với đại dịch Covid-19" đã nhận được sự ủng hộ của 116 quốc gia, trong đó có 54 nước châu Phi. Dự thảo đã được trình lên WHA và dự kiến được bỏ phiếu vào ngày mai.

Cũng theo ABC, tuy không đề cập cụ thể đến Trung Quốc hay một quốc gia nào khác, song ngôn ngữ của dự thảo đủ mạnh để "đảm bảo một cuộc điều tra toàn diện và thỏa đáng".

Một nguồn tin từ EU nói rằng, dự thảo nghị quyết rất "tham vọng" và nếu được thông qua, nó sẽ đánh dấu lần đầu tiên một diễn đàn toàn cầu đạt được sự đồng thuận về mặt văn bản liên quan đến ứng phó khủng hoảng Covid-19.

Về phía Trung Quốc, tại cuộc họp báo hôm nay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói, "còn quá sớm" để lập tức mở cuộc điều tra về nguồn gốc đại dịch Covid-19.

Tranh cãi chuyện mời Đài Loan tham gia họp

Một vấn đề khác được cho là cũng sẽ khiến cuộc họp trở nên căng thẳng đó là vấn đề Đài Loan. Mỹ muốn Đài Loan tham dự cuộc họp với vai trò quan sát viên. Một người phát ngôn của phái đoàn Mỹ lập luận rằng, bài học chống dịch thành công của hòn đảo này sẽ mang lại kinh nghiệm quý giá cho thế giới.

Trong khi đó, WHO cho biết, Tổng giám đốc của tổ chức này, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, không có nghĩa vụ mời Đài Loan tham dự đại hội đồng bởi “không có sự ủng hộ rõ ràng” từ các quốc gia thành viên.

Trung Quốc đối mặt với sự giận dữ tại Đại hội đồng Y tế Thế giới - 3
Trung Quốc ngăn Đài Loan dự Đại hội đồng Y tế Thế giới với tư cách quan sát viên từ năm 2016. (Ảnh minh họa: Reuters)

Về phía Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói, nước này “kịch liệt phản đối” đề xuất của các nước mời Đài Loan tham dự đại hội đồng, đồng thời chỉ trích lời kêu gọi điều tra độc lập là “thao túng chính trị”.

Đài Loan đã tham dự WHA với tư cách quan sát viên từ 2009 đến 2016, nhưng Trung Quốc tìm cách ngăn Đài Loan tham gia vào tổ chức này kể từ đó sau khi nhà lãnh đạo Thái Anh Văn đắc cử năm 2016.

Shi Yinhong, một cố vấn nội các Trung Quốc và là giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, nhận định rằng Trung Quốc tin đa số các nước thành viên sẽ không tán thành để Đài Loan tham dự đại hội đồng với tư cách quan sát viên và Bắc Kinh “không bao giờ” cho phép các nhóm điều tra độc lập tới Trung Quốc.

Minh Phương
Theo Bloomberg