1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc dịu giọng về Biển Đông: Thật lòng hay chỉ giở trò?

(Dân trí) - Mặc dù tức giận đối với phán quyết của tòa trọng tài nhằm bác bỏ các yêu sách “đường chín đoạn” phi lý ở Biển Đông nhưng Trung Quốc cũng để ngỏ khả năng về các dàn xếp tạm thời có tính chất thực tiễn. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích đặt câu hỏi rằng không rõ Bắc Kinh thật lòng hay chỉ đang dở trò?


Trung Quốc trắng trợn tập trận ở Biển Đông gần đây sau phán quyết của tòa trọng tài (Ảnh: Reuters)

Trung Quốc trắng trợn tập trận ở Biển Đông gần đây sau phán quyết của tòa trọng tài (Ảnh: Reuters)

AP đưa tin, Trung Quốc đã thực hiện một chiến dịch truyền thông nhằm làm mất uy tín của Tòa trọng tài thường trực tại La Hay (Hà Lan), vốn ra phán quyết có lợi cho Philippines trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về các yêu sách quá đáng ở Biển Đông. Tuy nhiên, đằng sau “cơn mưa” tuyên bố và những lời chỉ trích kịch liệt của các nhà ngoại Trung Quốc là một lập trường mới về việc hợp tác với Philippines và các nước khác có tuyên bố chủ quyền nhằm đi đến các dàn xếp tạm thời có tính chất thực tiễn để khai thác chung vùng biển trong khu vực.

“Các dàn xếp tạm thời”?

“Trung Quốc sẵn sàng thảo luận với các quốc gia liên quan về các dàn xếp tạm thời trong khi chờ đợi một thoả thuận cuối cùng về việc phân định tranh chấp”, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì hồi tuần trước cho biết. Ông Dương không miêu tả chi tiết các thỏa thuận, nhưng cho biết chúng có thể bao gồm việc khai thác chung vì “lợi ích đôi bên”.

Các tuyên bố chính thức khác cũng nói Trung Quốc sẵn sàng tham gia “các dàn xếp tạm thời có tính chất thực tiễn”, cụm từ được sử dụng trong Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc (UNCLOS). Các nhà phân tích Trung Quốc nhận định rằng lập trường đó cho thấy một tách tiếp cận mới của Bắc Kinh. Theo UNCLOS, “các dàn xếp tạm thời” như vậy tạm gác một bên vấn đề chủ quyền và thúc đẩy phát triển chung các nguồn tài nguyên, miễn là sự hợp tác này không nhằm thúc đẩy hay làm suy yếu tuyên bố chủ quyền của bên nào.

“Đây là lần đầu tiên ý tưởng về các dàn xếp tạm thời được đề xuất như một chính sách”, Zhu Feng, giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu Biển Đông tại Đại học Nam Kinh, nhận định.

Ông Zhu cho rằng các thỏa thuận như vậy theo UNCLOS có thể mở rộng quy mô các hoạt động tiềm tàng mà các bên tuyên bố chủ quyền khác và Trung Quốc có thể hợp tác với nhau.

Trong những năm qua, Trung Quốc đã công khai ủng hộ ý tưởng cùng phát triển Biển Đông với các quốc gia có tuyên bố chủ quyền khác, nhưng việc Bắc Kinh luôn ngang ngược đòi chủ quyền trong khu vực là cản trở chính, các nhà phân tích cho hay.

Một số nhà phân tích nói rằng Trung Quốc đang đưa ra các dàn xếp như vậy để chứng minh sự linh hoạt và giảm nhẹ vấn đề chủ quyền gai góc. Một số người khác lại nói Trung Quốc nhiều khả năng đang âm mưu dập tắt nỗ lực của các bên tuyên bố chủ quyền khác ở Biển Đông nhằm tận dụng lợi thế pháp lý của Philippines.

Thách thức chính hiện thời của Trung Quốc là phán quyết hồi tuần trước khiến các bên tuyên bố chủ quyền khác có ít động lực để đàm phán.

“Vấn đề là theo phán quyết, Trung Quốc chỉ có một phần lãnh hải rất nhỏ, vì vậy tạo cơ sở để các quốc gia khác không cần phải tìm kiếm việc khai thác chung”, Chen Xiangmiao, một nhà nghiên cứu tại Viên nghiên cứu Biển Đông tại Trung Quốc cho hay.

Các nhà phân tích tại Mỹ cho rằng sự thay đổi đột ngột trên của Trung Quốc là đáng chú ý, nhưng nói thêm rằng Bắc Kinh cần xây dựng lòng tin với các bên có tuyên bố chủ quyền khác ở Biển Đông.

“Các ý định của Trung Quốc rằng nước này sẵn sàng để ngỏ cánh cửa cho các dàn xếp tạm thời là có triển vọng”, Tiến sĩ Lynn Kuok tại Viện Brookings nhận định. Ông Kuok cho rằng rất khó xác định các khu vực hợp tác chung nhưng một nơi có khả năng nhất là quanh bãi cạn Scarborough, nơi quán quyết của tòa nói cả Trung Quốc và Philippines đều có các quyền đánh bắt truyền thống.

“Tuy nhiên, sự tín nhiệm tại Trung Quốc rất thấp và Bắc Kinh sẽ phải sớm chứng minh sự chân thành trong các ý định của họ”, ông nói.

Trung Quốc thật lòng hay chỉ giở trò?

Các quốc gia Đông Nam Á có tranh chấp với Trung Quốc cho rằng kêu gọi của Bắc Kinh về các cuộc đàm phán trên chỉ là chiến thuật câu giờ, trong khi Bắc Kinh tiếp tục xây dựng đường băng và các công trình phi pháp khác ở Biển Đông hòng mở rộng việc quản lý vùng biển rộng lớn.

AP dẫn lời ông Trần Công Trục, nguyên trưởng ban Biên giới Chính phủ Việt Nam, bác bỏ các đề nghị của Trung Quốc. Theo ông Trục, trong các cuộc thảo luận trước đó với Việt Nam, Trung Quốc đã tìm cách phát triển chung các vùng biển mà Việt Nam khẳng định thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

“Bắc Kinh muốn biến các vùng không tranh chấp thành cố tranh chấp”, ông Trục nói. “Họ muốn đảm bảo một chân trong việc phát triển chung như là một bước đi đầu tiên và sau đó kiểm soát tất cả. Có một số khác biệt trong cách họ phát ngôn, nhưng không có gì thay đổi về bản chất của họ”, ông Trục nhận định.

Câu hỏi được đưa ra là Trung Quốc sẽ áp đặt các điều kiện nào trong mỗi cuộc đàm phán nào.

“Tôi băn khoăn rằng liệu đó có phải là một cái bẫy đối với Philippines”, Bonnie Glaser, một cố vấn cấp cao tại Viện nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) ở Washington, D.C, nhận định.

Phán quyết của tòa trọng tài tuyên bố rằng Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đồi hỏi các quyền lịch sử ở Biển Đông, khiến Trung Quốc có rất ít lợi thế. Bà Glaser cho rằng nếu Philippines chấp nhận các thỏa thuận tạm thời điều đó đồng nghĩa với việc Manila có thể thừa nhận rằng Trung Quốc có một số quyền tài nguyên dù phán quyết khẳng định điều ngược lại. “Thực chất, Trung Quốc đang yêu cầu Manila phớt lờ phán quyết”, bà Glaser nói.

Cùng lúc đó, Trung Quốc lại ngoan cố khẳng định rằng phán quyết của tòa không thể được lấy làm cơ sở cho bất kỳ cuộc đàm phán nào về tranh chấp Biển Đông. Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay hồi tuần này tuyên bố Manila đã bác đề nghị của Bắc Kinh nhằm đàm phán về Biển Đông mà không bàn đến phán quyết của tòa, nói rằng nó đi ngược với hiến pháp và lợi ích quốc gia của Philippines.

An Bình