1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

“Các tuyên bố của Trung Quốc không còn nhắc tới đường chín đoạn”

(Dân trí) - “Theo dõi thông tin từ ngày 12/7 đến nay, trong tất cả các tuyên bố của Trung Quốc, tôi thấy hầu như họ không còn nhắc tới đường chín đoạn. Ở góc độ nghiên cứu, việc Trung Quốc không nhắc tới đường chín đoạn nữa là một tín hiệu tích cực”, Phó Giáo sư Nguyễn Thị Thuận - giảng viên Đại học Luật Hà Nội nói.


Trung Quốc bồi đắp và xây dựng phi pháp tại đá Gaven thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (Ảnh: IHF Janes)

Trung Quốc bồi đắp và xây dựng phi pháp tại đá Gaven thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (Ảnh: IHF Jane's)

Ngày 21/7, trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức tọa đàm “những khía cạnh pháp lý liên quan đến Phán quyết của Tòa trọng tài thành lập theo phục lục VII Công ước Luật biển 1982 ngày 12/7/2016 về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc”. Tại đây, vấn đề Trung Quốc thực thi phán quyết của Tòa trọng tài thế nào nhận được nhiều quan tâm của đại biểu.

Không quốc gia nào dám phớt lờ phán quyết Tòa trọng tài

Động thái trên diễn ra chỉ hơn 1 tuần sau khi Tòa trọng tài thường trực theo Phụ lục VII Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 ngày 12/7 công bố phán quyết cuối cùng về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc liên quan tới yêu sách “đường chín đoạn” của Bắc Kinh trên Biển Đông. Theo đó, tòa khẳng định yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý. Trung Quốc vẫn ngang ngược không công nhận phán quyết và tuyên bố tiếp tục xây dựng trái phép ở Biển Đông.

Phó Giáo sư Nguyễn Thị Thuận - Giảng viên Đại học Luật Hà Nội chia sẻ: “Phản ứng của Trung Quốc như thế nào sau phán quyết thì cả thế giới đều dự liệu được. Tuy nhiên, lịch sử quan hệ quốc tế cho thấy không có một quốc gia nào dám phớt lờ các phán quyết của cơ quan tài phán quốc tế. Chỉ có điều họ thực hiện kiểu gì, thực hiện khi nào và mức độ thực hiện đến đâu là vấn đề cần được quan tâm”.

Qua quan sát, giảng viên Nguyễn Thị Thuận cho biết, kể từ ngày Tòa trọng tài ra phán quyết cuối cùng liên quan đến vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc (12/7) đến nay, trong tất cả các tuyên bố Trung Quốc hầu như không nhắc tới đường chín đoạn. Đứng ở góc độ nghiên cứu, bà Thuận cho đây là một dấu hiệu tích cực.

Trước lo ngại của nhiều đại biểu về việc Trung Quốc sẽ không chấp hành phán quyết của Tòa trọng tài, Phó Giáo sư Nguyễn Thị Thuận tin rằng Trung Quốc sẽ không dám làm điều đó. “Trong một thế giới mà các quốc gia ngày càng phụ thuộc lẫn nhau thì Trung Quốc không dễ yên ổn phát triển hay khẳng định vị thế của mình khi bị cả thế giới tẩy chay vì họ dám coi thường, phớt lờ hay bỏ qua phán quyết của cơ quan tài phán được thành lập đúng quy định của pháp luật và tuyên bố hoàn toàn dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế”, bà Thuận phân tích.

Theo Phó Giáo sư Nguyễn Thị Thuận vấn đề Trung Quốc tuân thủ như thế nào với phán quyết của Tòa trọng tài chắc chắn được đặt ra và triển khai trong thời gian tới. Nhưng việc Trung Quốc tuân thủ như thế nào và khi nào thì cộng đồng quốc tế và một số cường quốc cần phải gây áp lực trong việc này.

“Thời gian tới sẽ có rất nhiều yếu tố để chi phối cách thức hành xử của Trung Quốc. Nhưng về nguyên tắc phán quyết của Tòa trọng tài phải được tuân thủ. Trong trường hợp Trung Quốc không có thiện chí thì phán quyết chậm được thực hiện, có thể bị trì trệ, kéo dài. Lúc đó, cộng đồng quốc tế phải có những động thái thì những nội dung phán quyết mới được thực hiện”, bà Thuận nói.

Trung Quốc toan tính rút khỏi Công ước Luật biển

Tại tọa đàm, nhiều đại biểu cũng đặt giả thiết Trung Quốc có thể tính tới khả năng rút khỏi Công ước Luật Biển năm 1982 với toan tính này không chịu sự chi phối của Tòa thường trực liên quan đến phán quyết vụ kiện của Philippines. Tiến sĩ Nguyễn Kim Ngân, Giảng viên trường Đại học Luật Hà Nội, cũng cho biết nhiều học giả Trung Quốc khi tư vấn chính sách cho chính phủ Trung Quốc cũng tính tới khả năng đó.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Ngân, trong trường hợp Trung Quốc không là thành viên của Công ước Luật Biển 1982 thì họ vẫn phải thực thi những phán quyết của Tòa trọng tài trong vòng 1 năm. “Theo quy định tại điều 317 Công ước Luật Biển 1982, Trung Quốc có thể tuyên bố rút khỏi thành viên của Công ước. Tuy nhiên, một năm sau đó thì tuyên bố vẫn có hiệu lực. Điều đó có nghĩa là trong thời gian đó về mặt pháp lý Trung Quốc vẫn có nghĩa vụ phải thực thi phán quyết của Tòa trọng tài”, Tiến sĩ Nguyễn Kim Ngân chia sẻ.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Ngân, việc Trung Quốc có rút khỏi Công ước hay không là vấn đề họ phải cân nhắc rất kỹ. Bởi khi là thành viên của viên của Công ước, Trung Quốc vận dụng rất nhiều những quy định để mở rộng tối đa vùng biển. Công ước Luật Biển năm 1982, cho phép các quốc gia mở rộng ranh giới thềm lục địa của mình ra ngoài giới hạn 200 hải lý và thậm chí có thể tính đến 350 hải lý tính từ đường cơ sở.

“Nếu Trung Quốc rút khỏi Công ước Luật Biển 1982, họ sẽ mất hết những vấn đề tạo lợi thế, do vậy họ phải cân nhắc. Ngoài ra, Trung Quốc sẽ tạo hình ảnh một cường quốc trong quan hệ quốc tế như thế nào khi có những phản ứng tiêu cực bằng việc không thực thi phán quyết của Tòa trọng tài”, Tiến sĩ Ngân nói thêm.

Phát biểu tại buổi tọa đàm Tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng - Giảng viên Đại học Luật Hà Nội nhận định, tuy không có cơ chế cưỡng bức buộc Trung Quốc phải thực thi phán quyết Tòa trọng tài nhưng với sức ép của quốc tế nước này vẫn phải có những điều chỉnh trong vấn đề Biển Đông.

Quang Phong