1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc dịu giọng, tìm cách "né" căng thẳng dồn dập leo thang với Mỹ

Đức Hoàng

(Dân trí) - Giới quan sát cho rằng ngay cả khi Trung Quốc vẫn đang tiếp tục "tung đòn" đáp trả chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, Bắc Kinh cũng đang gửi tín hiệu rằng họ muốn xuống thang căng thẳng.

Trung Quốc dịu giọng, tìm cách né căng thẳng dồn dập leo thang với Mỹ - 1

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng Bắc Kinh không muốn chiến tranh ngoại giao với Mỹ vì điều đó chỉ làm tổn hại thêm tới lợi ích của nhân dân 2 nước. (Ảnh: Reuters)

Theo Bloomberg, Mỹ trong thời gian thực hiện hàng loạt động thái khiến Trung Quốc nổi giận, từ việc ra lệnh cấm các ứng dụng nổi tiếng TikTok, WeChat, tới việc đưa quan chức cấp cao nhất tới thăm Đài Loan trong 40 năm qua. Căng thẳng Mỹ - Trung đã leo thang lên mức độ căng thẳng. Tuy nhiên, đáp trả các động thái của Mỹ, phía Trung Quốc và các nhà ngoại giao nước này gần đây chưa đưa ra bất cứ động thái nào quá gay gắt, theo Bloomberg.

Ngay cả khi Trung Quốc ban lệnh trừng phạt 11 quan chức Mỹ để đáp trả việc Washington trừng phạt các quan chức cấp cao Hong Kong và Trung Quốc, Bắc Kinh hầu hết chỉ nhằm vào các thượng nghị sĩ Mỹ. Trung Quốc dường như tránh trừng phạt trực tiếp bất cứ quan chức nào trong chính quyền ông Trump.

Ngoài ra, ông Dương Khiết Trì, ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc, hồi cuối tuần qua nói rằng cánh cửa đàm phán với Mỹ vẫn còn đang mở.

Sự thay đổi của Trung Quốc trong thời gian qua được xem là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh dường như đang tìm cách cân bằng giữa việc vẫn tỏ ra cứng rắn nhưng tránh đẩy căng thẳng lên tiếp tục leo thang hơn nữa nhằm tránh kịch bản có thể gây hại cho quốc gia Đông Á.

Theo Bloomberg, nếu Trung Quốc có thể giữ mọi việc không bị sụp đổ trước ngày 3/11, chiến lược này có thể giúp Bắc Kinh duy trì cơ hội đàm phán với bất cứ ứng viên nào chiến thắng cuộc bầu cử Mỹ 2020 sau khi áp lực từ chiến dịch tranh cử đã giảm xuống.

Chuyên gia Shi Yinhong, giám đốc trung tâm nghiên cứu Mỹ tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, nói rằng tông giọng của Trung Quốc đã dịu đi nhiều trong thời gian qua. Tuy nhiên, ông Shi cho rằng các kêu gọi đối thoại của Trung Quốc còn quá mơ hồ và ông dự đoán “sẽ không có gì đáng kể xảy ra trong ít nhất 6 tháng nữa”.

Theo Bloomberg, chiến lược của Trung Quốc hiện cũng có những rủi ro nhất định và có thể thay đổi nếu chính quyền ông Trump tiếp tục có động thái gia tăng áp lực lên Trung Quốc. Việc hai bên có tiếp tục duy trì thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 hay không sẽ được xem là phép thử quan trọng cho chiến lược của Bắc Kinh. Tuần này, Mỹ và Trung Quốc sẽ thực hiện các cuộc trao đổi cấp cao về vấn đề này.

Trong khi đó, ông Robert Daly, giám đốc trung tâm Wilson thuộc viện Kissinger (Mỹ), nhận định các động thái của chính quyền ông Trump với Trung Quốc trong thời gian qua là “chưa từng có tiền lệ về cả quy mô lẫn nhịp độ”. Ông Daly cho rằng ông Trump có thể chọn chiến lược như vậy là vì áp lực từ cuộc bầu cử, nhằm mục tiêu gia tăng cơ hội tái đắc cử.

Mặc dù vậy, Trung Quốc từ tuần trước đã bắt đầu dịu giọng khi họ nói rằng hai bên nên tránh một cuộc Chiến tranh Lạnh. Thêm vào đó, các nhà ngoại giao “Chiến lang” - ám chỉ những người có quan điểm và phát ngôn cứng rắn để bảo vệ quyền lợi của Bắc Kinh - có xu hướng giảm các tuyên bố mạnh mẽ.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng Bắc Kinh không muốn chiến tranh ngoại giao với Mỹ vì điều đó chỉ làm tổn hại thêm tới lợi ích của nhân dân 2 nước. Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải cho rằng đây là lúc để Mỹ - Trung khởi động lại quan hệ. “Chúng tôi sẵn lòng xây dựng quan hệ giữa 2 nước với thiện chí và sự chân thành và hy vọng Mỹ cũng sẽ hồi đáp lại”, ông Khải nói.