1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Trung Quốc đe dọa sức mạnh quân sự Mỹ

(Dân trí) - Giới quân sự tại Mỹ và một số nước khác có thể sẽ chú ý tới công nghệ tên lửa mới xuất hiện trong lễ duyệt binh của Trung Quốc, đặc biệt là tên lửa đạn đạo siêu thanh có khả năng xuyên vượt qua hệ thống phòng thủ của Washington và các đồng minh.

Trung Quốc đe dọa sức mạnh quân sự Mỹ - 1

Xe quân sự chở tên lửa đạn đạo DF-17 trong lễ duyệt binh tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 1/10. (Ảnh: Reuters)

 Tên lửa đạn đạo siêu thanh có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Đông Phong 17, hay còn gọi là DF-17, nằm trong số những vũ khí xuất hiện trong lễ duyệt binh tại quảng trường Thiên An Môn nhân kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Trung Quốc 1/10. Ngoài ra còn phải kể tới Đông Phong 41, hay còn gọi là DF-41, tên lửa đạn đạo liên lục địa với tầm bắn 15.000 km. DF-41 được xem là vũ khí có tầm bắn xa nhất của Trung Quốc với khả năng bay tới lãnh thổ Mỹ trong 30 phút.

Lễ duyệt binh có quy mô lớn nhất từ trước đến nay của Trung Quốc còn có sự tham gia của tên lửa chiến lược phóng từ tàu ngầm JL-20. Đây được xem là vũ khí tiêu chuẩn cho các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Trung Quốc, cùng với tên lửa hành trình CJ-100.

Trung Quốc khẳng định tất cả vũ khí này đều do nước này tự sản xuất. Mặc dù Bắc Kinh được cho là đã hưởng lợi từ hoạt động do thám thương mại và nhập khẩu công nghệ, song không thể phủ nhận chương trình nghiên cứu và phát triển quân sự khổng lồ của Trung Quốc cũng như quy mô của nền kinh tế nước này đã đưa công nghệ vũ khí của Bắc Kinh sánh ngang với Nga và Mỹ.

“Năng lực tác chiến tổng thể của lực lượng tên lửa Trung Quốc đã tăng lên đáng kể”, Song Zhongping, nhà bình luận quân sự tại kênh truyền hình Phoenix của Hong Kong, nhận định.

Thiết bị siêu thanh gắn trên DF-17 có thể được phóng lên không trung bằng tên lửa này. Khi đạt độ cao cần thiết, nó sẽ tách khỏi thân tên lửa và bay với tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh. Tốc độ này, cùng với việc sử dụng các thiết bị hồi quyển độc lập (công nghệ được gọi là MIRV), sẽ cho phép các đầu đạn của tên lửa trở nên uy lực hơn, khiến chúng khó bị phát hiện và đánh chặn hơn.

Một số nhà phân tích gọi tên lửa DF-17 là mối đe dọa đối với sự ổn định của khu vực, vì tốc độ của tên lửa này cho phép đối phương có rất ít thời gian để đưa ra quyết định về việc liệu có đáp trả bằng vũ khí hạt nhân hay không.

Tương tự DF-17, rất ít thông tin được công bố về tên lửa DF-41 - vũ khí được Trung Quốc trình làng lần đầu tiên trong lễ duyệt binh năm nay. Giới phân tích tin rằng DF-41 hiện được đặt bên trong các hầm ở phía đông bắc Trung Quốc.

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại Washington nhận định DF-41 có thể là tên lửa có tầm bắn xa nhất thế giới, lên tới 15.000 km. Với tốc độ gấp 25 lần tốc độ âm thanh, DF-41 có thể bay tới lãnh thổ Mỹ chỉ trong 30 phút và phóng 10 đầu đạn tới các mục tiêu khác nhau bằng công nghệ MIRV.

Ngoài các vũ khí trên, Trung Quốc cũng “khoe” trong lễ duyệt binh phiên bản nâng cấp của tên lửa chủ lực Đông Phong 31. Tên lửa này có tầm phóng 11.200 km, đủ khả năng đặt toàn bộ lục địa Mỹ vào tầm ngắm. Theo Tân Hoa Xã, tên lửa Đông Phong-31AG thế hệ 2, tương tự tên lửa DF-41 sử dụng nhiên liệu rắn, cũng có sự cơ động và độ chính xác cao.

Lần đầu tiên được công bố trước công chúng trong lễ duyệt binh, tên lửa JL-2 là vũ khí tiêu chuẩn được trang bị trên các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Jin của Trung Quốc. Mỗi tàu ngầm này có thể mang theo 12 tên lửa đi kèm đầu đạn. Tầm bắn của JL-2 khoảng 7.200 km, biến tên lửa này thành mối đe dọa đối với khu vực nhiều hơn là đối với lục địa Mỹ.

Trung Quốc đe dọa sức mạnh quân sự Mỹ - 2

Máy bay không người lái trinh sát siêu âm WZ-8 xuất hiện trong lễ duyệt binh (Ảnh: Reuters)

Ngoài ra, Trung Quốc cũng lần đầu ra mắt tên lửa hành trình siêu âm CJ-100, được vận chuyển bằng đội hình 16 xe tải trong lễ duyệt binh hôm qua. Thông tin về tên lửa này cũng hạn chế, song CJ-100 được dự đoán sẽ thay thế các tên lửa hành trình CJ-10 hiện nay của quân đội Trung Quốc. Theo Tân Hoa Xã, CJ-100 được đặc trưng bởi tầm bắn xa, độ chính xác cao, phản ứng nhanh và là phiên bản mới nhất của dòng tên lửa CJ.

Theo AP, tất cả các vũ khí trên dường như được sử dụng để tăng cường khả năng của Trung Quốc trong việc thực thi các đòi hỏi chủ quyền, đặc biệt là đối phó với sự can thiệp của Mỹ. Nhiều vũ khí, bao gôm các tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D đã được triển khai, được xem là vũ khí chủ lực để ngăn các tàu sân bay Mỹ tới gần, đồng thời đặt các căn cứ quân sự của Mỹ như căn cứ trên đảo Guam ở Thái Bình Dương vào tầm tấn công.

Bắc Kinh cũng có thể sử dụng vũ khí để đáp trả các động thái của Mỹ trong khu vực khi những động thái này bị cho là đe dọa an ninh của Trung Quốc. Các động thái của Mỹ khiến Trung Quốc “nóng mặt” bao gồm việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tối tân tại Hàn Quốc và kế hoạch của Washington khi triển khai tên lửa tầm trung đặt trên mặt đất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trung Quốc hồi tháng 8 từng tuyên bố sẽ không “khoanh tay đứng nhìn”, mà sẽ có biện pháp đáp trả nếu Mỹ thực hiện các kế hoạch triển khai vũ khí trên. Chủ tịch Tập Cận Bình hôm qua cũng tuyên bố “không thế lực” nào có thể chặn đà phát triển của Trung Quốc.

Các thiết bị không người lái ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với quân đội Trung Quốc. Trong lễ duyệt binh, ngoài tên lửa, Trung Quốc cũng phô diễn các công nghệ mới như máy bay không người lái “Sharp Sword” có khả năng tấn công các mục tiêu như các trạm radar và các căn cứ quân sự, các tàu ngầm không người lái có thể hoạt động ở độ sâu lớn hơn nhiều so với tàu ngầm có người lái.

Thành Đạt

Tổng hợp