1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Trung Quốc đẩy mạnh cải cách toàn diện, thúc đẩy hiện đại hóa

Nguyên Long

(Dân trí) - Hội nghị toàn thể lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 20 được xem là bệ phóng cho các mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội lớn trong chương trình nghị sự của nước này.

Trung Quốc đẩy mạnh cải cách toàn diện, thúc đẩy hiện đại hóa - 1

Các tòa nhà cao tầng ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc (Ảnh minh họa: Cgtn).

Từ ngày 15-18/7, Hội nghị toàn thể lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 20 (Hội nghị Trung ương 3) đã diễn ra tại thủ đô Bắc Kinh. Đây là một trong những sự kiện chính trị quan trọng được tổ chức 5 năm một lần, thu hút sự quan tâm chú ý của dư luận vì gắn liền với các quyết sách quan trọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, giúp định hình các chính sách quan trọng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trong nhiều năm tới.

Hội nghị Trung ương 3 có sự tham gia của 199 ủy viên chính thức và 165 ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tại phiên họp toàn thể vào ngày 15/7, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã thay mặt Bộ Chính trị trình bày báo cáo công tác; giải trình, làm rõ về bản Dự thảo "Quyết định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về đi sâu hơn nữa cải cách toàn diện và thúc đẩy hiện đại hóa kiểu Trung Quốc".

Trong thời gian diễn ra Hội nghị, các đại biểu đã tập trung nghiên cứu, thảo luận về việc đi sâu cải cách toàn diện, thúc đẩy hiện đại hóa kiểu Trung Quốc và nhiều vấn đề quan trọng khác.  

Ngày 18/7, Hội nghị đã bế mạc sau 4 ngày làm việc với nhiều nội dung quan trọng được thông qua.

Nội dung chính của Hội nghị

Thông cáo của Hội nghị đăng trên Tân Hoa xã cho biết, Hội nghị đã xem xét thông qua "Quyết định của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về việc tiếp tục cải cách sâu sắc toàn diện và thúc đẩy hiện đại hóa kiểu Trung Quốc". Trong đó có những nội dung nổi bật:

Một là, Hội nghị khẳng định những thực tiễn thành công và thành tựu to lớn trong cải cách sâu sắc toàn diện trong thời đại mới kể từ Đại hội 18 đến nay, nghiên cứu vấn đề tiếp tục đi sâu cải cách toàn diện và thúc đẩy hiện đại hóa kiểu Trung Quốc; đồng thời đánh giá giai đoạn hiện nay và sắp tới là "thời kỳ quan trọng để thúc đẩy xây dựng đất nước, phục hưng dân tộc bằng hiện đại hóa kiểu Trung Quốc".

Hai là, Hội nghị xác định mục tiêu chung của việc tiếp tục cải cách sâu sắc toàn diện là tiếp tục hoàn thiện và phát triển chế độ chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống quản trị và năng lực quản trị quốc gia. Hội nghị đặt mục tiêu, đến năm 2035 hoàn thành việc xây dựng toàn diện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa trình độ cao, hoàn thiện hơn nữa chế độ Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, cơ bản hiện đại hóa hệ thống quản trị và năng lực quản trị quốc gia cũng như hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa, đặt nền tảng vững chắc để xây dựng toàn diện cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại vào giữa thế kỷ này.

Ba là, Hội nghị đánh giá cao tầm nhìn công nghệ cao của Chủ tịch Tập Cận Bình đối với nền kinh tế Trung Quốc. Thông cáo của Hội nghị đã nêu bật nỗ lực của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm tự chủ về khoa học và công nghệ trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ và phương Tây ngày càng gia tăng.

Các chuyên gia đánh giá, điều đó báo hiệu Bắc Kinh sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư vào công nghệ và khuyến khích các công ty nâng cấp thiết bị và bí quyết công nghệ, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang phải đối mặt với các hạn chế thắt chặt trong việc tiếp cận công nghệ tiên tiến của phương Tây như chip máy tính hàng đầu và trí tuệ nhân tạo.

Bốn là, Hội nghị xác định tập trung xây dựng thể dựng thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa trình độ cao, phát triển dân chủ nhân dân, xây dựng cường quốc văn hóa xã hội chủ nghĩa, nâng cao chất lượng đời sống người dân, xây dựng Trung Quốc tươi đẹp, bình an, nâng cao trình độ lãnh đạo và năng lực lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, thúc đẩy cải cách mạnh mẽ hơn nữa nhằm hoàn thành các nhiệm vụ đề ra vào năm 2029 nhân dịp kỷ niệm 80 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; đồng thời đặt mục tiêu xây dựng "nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa tiêu chuẩn cao" vào năm 2035.

Năm là, Hội nghị đã thừa nhận những lo ngại về tình trạng suy thoái tài sản kéo dài của Trung Quốc và những tác động lan tỏa tiềm ẩn, do vậy nhấn mạnh đến sự cần thiết phải "phòng ngừa và giải quyết rủi ro" từ lĩnh vực bất động sản, nợ chính quyền địa phương và các tổ chức tài chính vừa và nhỏ. Hội nghị đã nhất trí thúc đẩy cải cách hệ thống thuế và tài chính nhằm giảm bớt sức ép tài chính đối với các chính quyền địa phương.

Sáu là, về mặt nhân sự, Hội nghị đã chấp nhận đơn từ nhiệm của cựu Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương và cho ông Tần thôi giữ chức Ủy viên Trung ương Đảng. Các ông Lý Thượng Phúc - cựu Bộ trưởng Quốc Phòng, Lý Ngọc Siêu - cựu Tư lệnh Lực lượng Tên lửa và Tôn Kim Minh - cựu Tham mưu trưởng Lực lượng tên lửa bị khai trừ Đảng.

Bảy là, về vấn đề an ninh, thông cáo nhấn mạnh đến việc phải bảo vệ an ninh quốc gia bởi đây là "nền tảng then chốt để đảm bảo tiến bộ ổn định và liên tục trong quá trình hiện đại hóa Trung Quốc". Trung Quốc "phải đảm bảo cả sự phát triển và an ninh" và "vẫn cam kết thực hiện chính sách cơ bản của nhà nước là mở cửa với thế giới bên ngoài".

Hội nghị mang ý nghĩa quan trọng

Đa số các nhà kinh tế đánh giá, Hội nghị Trung ương 3 là sự tái khẳng định phần lớn các chính sách mà Trung Quốc đang triển khai hiện nay, nhất là trong bối cảnh Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc duy trì "sự lãnh đạo chung của Đảng" cho dù cải cách được thực hiện như thế nào.

Nhà kinh tế cấp cao Tianchen Xu tại The Economist Intelligence Unit đánh giá, kết quả của Hội nghị cho thấy đây là sự tiếp nối của các điều chỉnh chính sách hiện nay của Trung Quốc và chưa có dấu hiệu nào chứng tỏ Bắc Kinh đang hướng tới một chính sách khác. Đồng quan điểm, Julian Evans-Prichard, nhà kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics, cho rằng có ít dấu hiệu cho thấy sẽ có sự thay đổi lớn trong phương hướng hoạch định chính sách của Trung Quốc thời gian tới.

Theo ông Evans-Pritchard, dường như vẫn có sự căng thẳng giữa các chính sách nhằm thúc đẩy an ninh kinh tế và mở rộng phần cung của nền kinh tế cũng như các chính sách nhằm trao cho lực lượng thị trường một vai trò lớn hơn và tái cân bằng tăng trưởng theo hướng tiêu dùng. Bên cạnh đó, Trung Quốc hiện cũng phải đối mặt với các thách thức khác như tỷ lệ thanh niên thất nghiệp gia tăng, dân số già và cạnh tranh chiến lược với Mỹ và phương Tây trong lĩnh vực công nghệ.

Nhìn chung, các nhà quan sát chính trị đánh giá, Trung Quốc vẫn sẽ giữ vững con đường hiện đại hóa kiểu Trung Quốc và bất kỳ sự thay đổi nhỏ nào trong mô hình tăng trưởng của Trung Quốc cũng đều sẽ "được cảm nhận" trên toàn thế giới.

Hội nghị toàn thể lần 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 20 là một hội nghị quan trọng, đã cho thấy một loạt biện pháp mà Bắc Kinh sẽ triển khai nhằm giải quyết các vấn đề cản trở tăng trưởng và giúp củng cố hơn nữa các giá trị chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc cũng như vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Mặc dù chưa có nhiều chi tiết cụ thể về các chủ trương, chính sách được công bố nhưng Hội nghị Trung ương 3 được đánh giá là bệ phóng cho các mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội lớn trong chương trình nghị sự của Trung Quốc vài năm tới. Thông tin chi tiết về bất kỳ quyết định chính sách nào sẽ dần được công bố và có thể là sau khi Bộ Chính trị Trung Quốc tổ chức họp vào cuối tháng này.

Theo SCMP, Bloomberg, Nikkei

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm