1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc "đau đầu" tính toán khi thế giới bắt đầu sống chung với Covid-19

Đức Hoàng

(Dân trí) - Trung Quốc lo ngại các thách thức mới khi ngày càng nhiều nước chuyển sang sống chung với dịch, trong khi quốc gia Đông Á vẫn kiên trì với chiến lược "Không Covid-19".

Trung Quốc đau đầu tính toán khi thế giới bắt đầu sống chung với Covid-19 - 1

Trung Quốc hiện vẫn áp dụng chiến lược "nhổ tận gốc" Covid-19 (Ảnh: AFP).

Trong cuộc gặp các chuyên gia tại trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc hôm 11/10, Phó Thủ tướng nước này Tôn Xuân Lan cảnh báo rằng, việc ngày càng nhiều nước trên thế giới nới lỏng các biện pháp ngăn dịch và lệnh hạn chế đi lại xuyên biên giới có thể đặt ra những thách thức mới đối với Trung Quốc.

Bà Tôn cho biết, dù Trung Quốc đã đạt được thành tựu nhất định trong việc kiểm soát đại dịch, vẫn cần có những nghiên cứu sâu hơn về cách virus lây lan và đột biến.

Trong năm nay, Trung Quốc đã trải qua một số đợt bùng dịch nhỏ lẻ và họ đã dập thành công nhờ các cách tiếp cận "Không Covid-19" thông qua phong tỏa nghiêm ngặt, xét nghiệm hàng loạt diện rộng và kiểm soát đi lại bằng mã QR. Các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt hàng đầu thế giới vẫn được áp dụng.

"Chìa khóa để bình thường hóa việc kiểm soát dịch bệnh là ngăn chặn ca bệnh nhập khẩu và cách ly nghiêm ngặt những người nhiễm bệnh", bà Tôn nói.

Theo SCMP, dù Trung Quốc vẫn bỏ ngỏ việc điều chỉnh chính sách "Không Covid-19", nhưng bình luận của bà Tôn dường như cho thấy giới chức nước này đang "đau đầu" vì ngày càng nhiều nước từ bỏ các chính sách chống dịch quyết liệt. Trung Quốc cũng đang cân nhắc xem họ sẽ nới lỏng các quy định chống dịch ở mức độ như thế nào, trong bối cảnh các thách thức bên ngoài gia tăng và việc duy trì các biện pháp cứng rắn gây áp lực lên nhiều mặt trong xã hội.

Các chuyên gia y tế cho rằng, chiến lược của Trung Quốc hiện hiệu quả nhưng thiếu bền vững trong bối cảnh mùa đông sắp tới gần - thời điểm dịch bệnh dễ lây lan hơn, nhất là với biến chủng Delta. Trung Quốc cũng sẽ sớm trở thành chủ nhà Thế vận hội mùa Đông năm 2022 và họ sẽ phải đón hàng nghìn vận động viên tới thi đấu. Vì vậy, giới chức Trung Quốc dường như băn khoăn về việc khi nào sẽ là thời điểm hợp lý để bắt đầu sống chung với dịch bệnh.

Khi nào sẽ mở cửa?

Trước đó, chuyên gia hàng đầu Trung Quốc về bệnh đường hô hấp Zhong Nanshan hồi đầu tháng cho rằng, Trung Quốc chỉ nên dỡ bỏ tất cả các hạn chế biên giới khi các nước bên ngoài có ít ca bệnh và đại đa số dân số Trung Quốc đã được tiêm phòng. Cho đến nay, ít nhất 78% dân số Trung Quốc đã được tiêm chủng.

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng, việc duy trì các biện pháp chống dịch quyết liệt sẽ gây nên áp lực lớn cho Trung Quốc. Mặc dù vậy, ông vẫn ủng hộ biện pháp nghiêm ngặt để chống dịch vì tỷ lệ tiêm chủng ở Trung Quốc chưa đạt mốc 80% nên việc phòng bệnh vẫn rất quan trọng.

Bloomberg cho hay, Trung Quốc hiện là một trong những hiếm hoi trên thế giới tới nay còn theo đuổi chính sách "nhổ tận gốc" Covid-19.

Mặt khác, ông Gao Fu, người đứng đầu CDC Trung Quốc cho biết, khi Covid-19 ngày càng giống như cúm mùa về tỷ lệ tử vong và tốc độ lây lan thì "một chiến lược dài hạn" - bao gồm việc sống chung với mầm bệnh - sẽ là cần thiết nếu việc tiêm chủng hàng loạt không loại bỏ được hoàn toàn virus SARS-CoV-2.

"Chính sách Không Covid-19 của Trung Quốc đã giúp chúng ta câu giờ được rất nhiều thời gian, từ sản xuất và tiêm chủng vaccine. Nếu tỷ lệ tiêm chủng của chúng ta vượt mốc 85% vào đầu năm 2022 thì chúng ta đã thành công", ông Gao nói.

"Sẽ có ít người nhiễm mầm bệnh hơn và số ca bệnh nặng hay tử vong sẽ giảm, chỉ còn ca nhẹ. Virus cũng sẽ trở nên yếu hơn. Vào thời điểm đó, tôi chỉ muốn hỏi là, nếu thế giới đã mở cửa trở lại và tỷ lệ tử vọng hạ xuống mức thấp, tại sao chúng ta lại không mở cửa trở lại?", ông Gao nêu câu hỏi.