1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Quốc gia cuối cùng trên thế giới vẫn theo đuổi chiến lược "không Covid-19"

Minh Phương

(Dân trí) - Trong khi các nước dần dần điều chỉnh chính sách ứng phó để sống chung với Covid-19, Trung Quốc vẫn kiên quyết duy trì mục tiêu "không Covid-19".

Quốc gia cuối cùng trên thế giới vẫn theo đuổi chiến lược không Covid-19 - 1

Trung Quốc tiếp tục kiên trì theo đuổi chiến lược không ca nhiễm Covid-19 (Ảnh: AFP).

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nhiều quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương đã áp dụng chiến lược "không Covid-19" (Zero Covid-19), nghĩa là đưa số ca nhiễm về 0 và trở thành khu vực không có virus lây lan.

Tuy nhiên, hiện giờ, khi biến chủng Delta hoành hành và chương trình tiêm chủng vắc xin được đẩy mạnh, chỉ còn quốc gia duy nhất vẫn kiên trì với chiến lược này là Trung Quốc, theo Bloomberg. Điều này làm dấy lên câu hỏi liệu Trung Quốc có thể theo đuổi chiến lược này bao lâu khi tiếp tục đóng cửa biên giới, áp lệnh phong tỏa bất cứ lúc nào, trong khi các hoạt động kinh tế, xã hội bị gián đoạn.

Những nước từng áp dụng chiến lược "không Covid-19" như Singapore, Australia, lần lượt rút ra kết luận rằng chiến lược đó không bền vững. Thay vào đó, chính phủ các nước này cho rằng cần tập trung tăng tỷ lệ tiêm chủng để bảo vệ người dân khỏi nguy cơ bệnh nặng và tử vong do Covid-19 và dần nới lỏng các biện pháp nhằm kiểm soát số ca nhiễm. Mặc dù đã tiêm chủng đầy đủ cho 75% dân số, nhưng Trung Quốc vẫn quyết theo đuổi chiến lược ban đầu.

Nhiệm vụ diệt tận gốc Covid-19 có thể sẽ khó khăn hơn khi thời tiết giá lạnh đang đến gần và Bắc Kinh sắp tổ chức Thế vận hội Mùa đông với hàng nghìn vận động viên từ khắp nơi trên thế giới đổ về.

"Việc theo đuổi chiến lược không Covid-19 trong trung và dài hạn là không bền vững. Sự xuất hiện của Delta khiến điều đó gần như là không thể. Khó có thể đoán biết liệu Trung Quốc sẽ đối phó ra sao với Covid-19 trong mùa đông này", Peter Collignon, bác sĩ bệnh truyền nhiễm và là giáo sư tại Đại học Quốc gia Australia, bình luận.

Tại New Zealand, chính phủ của Thủ tướng Jacinda Ardern đầu tuần này đã thông báo từ bỏ chiến lược "không Covid-19". Bà Ardern thừa nhận: "Việc đưa số ca nhiễm về 0 là rất khó. Ngay cả khi đã áp dụng các lệnh hạn chế dài hạn, chúng ta vẫn chưa thể đưa số ca nhiễm về 0".

Giới chức Trung Quốc cho biết, họ sẽ không duy trì mãi chiến lược không ca nhiễm nhưng sẽ chỉ cân nhắc điều chỉnh khi chiến lược này không còn hiệu quả hoặc cái giá phải trả quá đắt.

Hiện các chính quyền địa phương ở Trung Quốc được chỉ đạo lập các cơ sở cách ly có thể tiếp nhận hàng nghìn du khách trước cuối tháng 10. Điều này cho thấy, lệnh hạn chế đi lại ở Trung Quốc sẽ chưa được nới lỏng trong tương lai gần.

Việc đạt được mục tiêu "không Covid-19" cũng đã giúp cuộc sống ở Trung Quốc về cơ bản trở lại bình thường trong hầu hết năm 2020 và 2021. Tuy vậy, bất chấp hiệu quả đến đâu của chiến lược không khoan nhượng với Covid-19 mà Trung Quốc đang áp dụng, một số chuyên gia cho rằng, rất khó quay lại một thế giới không Covid-19 như trước kia.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm