1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ lo kịch bản Nga không rút quân khỏi Kazakhstan

Thành Đạt

(Dân trí) - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cảnh báo Kazakhstan sẽ gặp "khó khăn" trong việc đề nghị lực lượng quân sự Nga rời đi sau bạo loạn.

Mỹ lo kịch bản Nga không rút quân khỏi Kazakhstan - 1

Phương tiện quân sự Nga nối đuôi chờ lên máy bay vận tải để tới Kazakhstan (Ảnh: AFP).

Phát biểu trước các phóng viên tại Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 7/1, Ngoại trưởng Antony Blinken chỉ ra những ví dụ gần đây về việc Nga đưa lực lượng quân sự tới một nước khác.

Trong bối cảnh bạo loạn bùng phát trên khắp cả nước, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev tuần này đã đề nghị sự hỗ trợ từ Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), một liên minh quân sự gồm 5 nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ và Nga.

Máy bay quân sự đưa lính Nga tới Kazakhstan

Lực lượng quân sự từ Nga, Belarus, Armenia, Tajikistan và Kyrgyzstan đã bắt đầu triển khai tới Kazakhstan hôm 6/1 để đối phó tình hình bất ổn, trong khi Tổng thống Tokayev đã ra lệnh cho lực lượng an ninh "nổ súng tiêu diệt những kẻ khủng bố mà không cần cảnh báo trước".

"Khi nói đến CSTO, chúng tôi đã đặt ra nghi vấn về bản chất của lời đề nghị giúp đỡ, vì sao lại đưa ra lời đề nghị đó. Tôi cho rằng các cơ quan trong chính phủ Kazakhstan chắc chắn có đủ năng lực để giải quyết các cuộc biểu tình một cách phù hợp, theo cách tôn trọng quyền của những người biểu tình trong khi vẫn duy trì luật pháp và trật tự. Vì vậy, không rõ tại sao họ cảm thấy cần bất kỳ sự hỗ trợ nào từ bên ngoài", Ngoại trưởng Mỹ đặt câu hỏi.

Ông Blinken cũng kêu gọi các lực lượng Kazakhstan và CSTO "tuân thủ các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế". Trước đó, trong cuộc trao đổi với người đồng cấp Kazakhstan, Ngoại trưởng Blinken nhắc lại "sự ủng hộ hoàn toàn của Mỹ đối với các thể chế hiến pháp và tự do truyền thông tại Kazakhstan, đồng thời ủng hộ một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng".

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki ngày 7/1 cho biết Mỹ "vẫn đang theo dõi chặt chẽ các báo cáo về việc Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) đã điều động các lực lượng gìn giữ hòa bình tập thể đến Kazakhstan".

Bà Psaki cho biết Washington đã "đặt ra những nghi vấn về bản chất của lời đề nghị hỗ trợ từ phía Kazakhstan và chưa rõ liệu đó có phải là một lời đề nghị hợp pháp hay không". Bà Psaki cho biết Washington sẽ theo dõi bất kỳ hành vi vi phạm nhân quyền nào cũng như "bất kỳ hành động nào có thể tạo tiền đề cho việc chiếm giữ các cơ sở của Kazakhstan".

Mỹ lo kịch bản Nga không rút quân khỏi Kazakhstan - 2

Binh sĩ Nga chờ lên máy bay vận tải để tới Kazakhstan (Ảnh: AFP).

Quân đội Nga đã huy động 75 máy bay liên tục đưa lực lượng đổ bộ đường không cùng nhiều phương tiện quân sự tới Kazakhstan để ứng phó bạo loạn. CSTO cho biết nhiệm vụ của lực lượng gìn giữ hòa bình là bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng của chính phủ và quân đội Kazakhstan, đồng thời bảo đảm an toàn cho người dân nước này.

Nga đã tuyên bố rằng họ coi những diễn biến hiện nay là vấn đề nội bộ của Kazakhstan và tin tưởng chính phủ Kazakhstan có thể kiểm soát tình hình.

Bộ Nội vụ Kazakhstan thông báo 26 người biểu tình đã thiệt mạng và 18 người khác bị thương trong các cuộc biểu tình chống chính phủ. Ngoài ra, ít nhất 18 nhân viên an ninh đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình bạo lực đang diễn ra ở nước này.