1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Trung Quốc chuẩn bị cho "kịch bản xấu nhất" hậu Covid-19

(Dân trí) - Việc Trung Quốc chuyển hướng tăng trưởng kinh tế từ lấy xuất khẩu làm trọng tâm sang tập trung vào tiêu dùng nội địa cho thấy Bắc Kinh đang chuẩn bị cho “kịch bản xấu nhất” sau đại dịch Covid-19.

Trung Quốc chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất hậu Covid-19 - 1

Ông Tập Cận Bình và các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc trong phiên khai mạc kỳ họp Nhân Đại hôm 22/5 tại Bắc Kinh. (Ảnh: Reuters)

Phát biểu với hàng chục cố vấn kinh tế cấp cao tại Bắc Kinh cuối tuần qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc đang theo đuổi kế hoạch phát triển kinh tế mới, theo đó “tiêu thụ nội địa sẽ đóng vai trò chủ chốt”.

“Về tương lai, chúng ta phải coi nhu cầu tiêu thụ trong nước là vạch xuất phát và là nền tảng khi thúc đẩy xây dựng một hệ thống tiêu thụ nội địa hoàn thiện và thúc đẩy mạnh mẽ cải tiến khoa học, công nghệ và các lĩnh vực khác”, Tân Hoa Xã dẫn lời ông Tập Cận Bình.

Phát biểu này của ông Tập cho thấy Bắc Kinh đang tiến tới từ bỏ chiến lược tập trung tiêu thụ quốc tế đã áp dụng từ những năm 1990 - chiến lược vốn đã giúp Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

“Đó là sự chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất, bao gồm cả việc giảm phụ thuộc vào Mỹ và thậm chí cả phương Tây”, Hu Xingdou, chuyên gia kinh tế độc lập tại Bắc Kinh, nhận định. Ông Hu cho rằng, Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải đối mặt với thách thức này. Tuy nhiên, ông cảnh báo, Trung Quốc cần duy trì các cải thị trường, không nên quay lại cơ chế kinh tế chỉ huy với việc chính phủ ra mọi quyết định về kinh tế.

Ông Hu cho rằng, Trung Quốc cần thuyết phục thế giới rằng họ không có ý định xây dựng một mô hình kinh tế khác biệt hệ thống kinh tế toàn cầu hiện tại.

Theo chiến lược kinh tế lấy xuất khẩu làm trọng tâm trước kia, Trung Quốc tự định hình là một mắt xích sản xuất trong chuỗi giá trị toàn cầu với việc nhập khẩu nguyên liệu sau đó xuất khẩu thành phẩm cho các thị trường tiêu thụ. Cơ chế này đã thể hiện hiệu quả sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001 và giúp Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới. Tuy nhiên, mô hình đó bắt đầu giảm hiệu quả khi Bắc Kinh tìm cách gia tăng chuỗi giá trị. Điều này cộng với căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và sự gián đoạn của kinh tế toàn cầu do ảnh hưởng của Covid-19, đã thôi thúc Bắc Kinh chuyển hướng phát triển kinh tế sang lấy nền tảng từ tiêu dùng nội địa.

Phát biểu cuối tuần qua của ông Tập có thể coi là minh chứng rõ ràng nhất cho quan điểm về chiến lược kinh tế mới của giới lãnh đạo Trung Quốc nhằm đối phó với các nguy cơ từ Mỹ. Ông Tập cho rằng Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức từ bên ngoài như kinh tế toàn cầu suy thoái sâu, đầu tư, thương mại bị gián đoạn, chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa đa phương tràn lan cùng với các rủi ro về địa chính trị. “Hiện giờ chúng ta phải tìm hướng phát triển trong một thế giới bất ổn, khó đoán định hơn”, ông Tập nói.

Raymond Yeung, kinh tế trưởng của ngân hàng ANZ tại Trung Quốc, nhận định sự chuyển hướng chiến lược của Trung Quốc xuất phát phát từ lo ngại rằng nhu cầu tiêu thụ quốc tế sẽ chưa thể phục hồi trong 2-3 năm tới. “Đó là hướng chuyển đổi kinh tế. Nhưng câu hỏi đặt ra là thực hiện như thế nào”, ông Yeung nói.

Minh Phương
Theo SCMP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm