1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc chi 23 triệu USD đóng tàu tuần tra Hoàng Sa

(Dân trí) - Trung Quốc vừa lớn tiếng thông báo kế hoạch mở rộng sự hiện diện của lực lượng bán quân sự trên Biển Đông bằng hợp đồng trị giá 23,5 triệu USD để đóng tàu tuần tra quần đảo Hoàng Sa cưỡng chiếm trái phép của Việt Nam.

Trung Quốc chi 23 triệu USD đóng tàu tuần tra Hoàng Sa - 1

Tàu tuần duyên Trung Quốc (Ảnh: Xinhua)

 Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong), cơ quan được gọi là “Cục Thực thi Luật pháp Hàng hải Chính quyền Tam Sa”, đặt tại đảo Phú Lâm - đảo lớn nhất của quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam - đã ủy quyền cho Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Wuchang đóng tàu tuần tra 1.900 tấn. Tập đoàn Wuchang là công ty con của Công ty Công nghiệp Đóng tàu nhà nước Trung Quốc có trụ sở tại thành phố Vũ Hán.

Trang web của chính quyền tỉnh Hải Nam, Trung Quốc cho biết tàu tuần tra mới dài 102 m với sức chứa 50 người. Tốc độ hành trình của tàu khoảng 18 hải lý/giờ, tốc độ tối đa khoảng 23 hải lý/giờ và tầm hoạt động khoảng 6.000 hải lý.

Theo kế hoạch 5 năm được công bố hồi năm 2016, cơ quan được gọi là “chính quyền Tam Sa” dự kiến tăng hạm đội thực thi luật pháp hàng hải từ 1 tàu lên 20 tàu. Các tàu này là một phần trong tham vọng của Bắc Kinh nhằm mở rộng sự hiện diện của lực lượng ngoài hải quân tại Biển Đông.

Đô đốc John Richardson, chỉ huy các lực lượng hải quân của Mỹ, cho biết các tàu tuần duyên của Trung Quốc đã gây khó khăn cho Washington trong việc tiến hành các hoạt động đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông. Ông Richardson từng cảnh báo rằng các tàu “dân quân” của Trung Quốc như tàu tuần duyên và tàu đánh cá sẽ bị Hải quân Mỹ đối xử tương tự với tàu Hải quân Trung Quốc.

Theo Đô đốc Richardson, các tàu tuần duyên và tàu cá hợp tác với quân đội Trung Quốc đều được sử dụng để thúc đẩy tham vọng quân sự của Bắc Kinh trên Biển Đông. Trong một số vụ việc liên quan tới Mỹ và các bên còn lại trong tranh chấp Biển Đông, các tàu cá Trung Quốc đã thực hiện các hành vi như đâm va, ngăn chặn tàu nước ngoài tiếp cận các đầm phá, thậm chí tham gia vào hoạt động chiếm đóng các bãi san hô và bãi cạn.

Trung Quốc ngày càng tăng cường sử dụng lực lượng dân quân biển vì việc triển khai các tàu cá ít có khả năng vấp phải phản ứng quân sự từ Mỹ. Tuy nhiên, cảnh báo mới nhất của Đô đốc Richardson chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc dè chừng hơn trong việc sử dụng các tàu không thuộc lực lượng hải quân tham gia vào các hoạt động gây hấn trên Biển Đông.

Thành Đạt

Theo SCMP