Trung Quốc: Cách mạng hay "dò đá qua sông"?
Trong khi Hội nghị Trung ương 3 của Trung Quốc (9-12/11/2013) vẫn đang diễn ra thì giới học giả quốc tế và Trung Quốc tiếp tục tranh luận sôi nổi về kết quả cuối cùng.
Được kỳ vọng như "một bước khởi đầu lịch sử mới", liệu hội nghị lần này có thực sự mang tầm vóc là một cuộc cách mạng như các kỳ họp năm 1978 hay 1993 đã từng làm được, hay chỉ mang quy mô của một cuộc cải cách kinh tế thông thường?
Cuộc cách mạng đang thành hình?
Việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sắp có những cải cách, thậm chí là cách mạng về mặt kinh tế tất yếu thu hút được sự quan tâm chú ý của giới học giả trong và ngoài nước.
Đã có nhiều luồng quan điểm đánh giá về tính hiệu quả của kỳ họp lần này. Một trong số đó tỏ ra rất lạc quan về kết quả của Hội nghị, như nhận định của Zhang Monan, một học giả tại Trung tâm thông tin Trung Quốc, thuộc Quỹ Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc.
Bà Zhang đã tập trung mô tả triển vọng của Trung Quốc trong việc tham gia tích cực hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Bà coi đó như là một trong những cải cách nền tảng giúp Trung Quốc tiếp tục phát triển trong tương lai, thông qua Khu vực thương mại tự do Thượng Hải. Đây cũng sẽ là hình mẫu cho khả năng tham gia một cách chủ động của Trung Quốc trong các tiến trình đàm phán thương mại toàn diện, đảm bảo lợi ích của Trung Quốc trên toàn thế giới.
Luồng quan điểm thứ hai là quan điểm trung dung. Các quan điểm này chủ yếu đến từ các học giả ngoài nước.
Phần lớn các nhận định của họ đưa ra những định hướng cải cách của Trung Quốc trong Hội nghị lần này, chứ không đề cập đến tính tích cực hay tiêu cực của kết quả Hội nghị. Tiêu biểu có thể kể đến như lý thuyết "xây dựng tính chính danh" và "hiện thực hoá các chính sách xã hội mới" của Giáo sư chuyên về Chính trị Trung Quốc thuộc Đại học Sydney - Kerry Brown.
Đối với việc xây dựng tính chính danh, ông cho rằng nếu kinh tế Trung Quốc không có thay đổi mạnh mẽ thì tính chính danh của Đảng sẽ dần dần suy giảm ảnh hưởng đến sự tồn vong của nó. Thứ hai, việc hiện thực hóa các chính sách xã hội mới là nhằm giải quyết những "hệ quả" xã hội đáng báo động như hiện nay.
Muốn giải quyết được hai thách thức lớn nêu trên, Giáo sư về chính sách công Minxin Pei cho rằng chương trình nghị sự của Hội nghị cần phải ưu tiên giải quyết những vấn đề sau: (1) tự do hóa khu vực tài chính (2) kiểm tra lại hoàn toàn hệ thống tài khóa quốc gia (3) cải cách các công ty và tập đoàn nhà nước, vốn được hưởng quá nhiều ưu đãi.
Đồng thời với đó là gia tăng cạnh tranh và khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tiến vào các ngành độc quyền bấy lâu nay; và (4) thực hiện cải cách xã hội mà đặc biệt là chế độ "hộ khẩu", qua đó tăng cơ hội tiếp cận và giảm bất bình đẳng trong xã hội giữa các tầng lớp và các khu vực địa lý.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 trong phiên họp đầu tiên, 15/11/2012. Ảnh: Xinhua
Ông chỉ ra yếu tố chính gây cản trở quá trình cải cách là sự phản đối mạnh mẽ của rất nhiều các nhóm lợi ích khác nhau. Trong kỳ họp lần này, chỉ có sử dụng các sức ép từ ngoài Đảng thì ông Tập Cận Bình mới có thể tiến hành cải cách thành công. Nói một cách khác, Minxin Pei cho rằng cần phải có sự cải cách thực sự sâu rộng về mặt chính trị thì mới khẳng định được sự thành công của Hội nghị Trung ương 3.
Fareed Zakaria, cây bút bình luận chính trị xuất sắc của Mỹ, cho rằng trong hiện tại, mặc dù các nhà lãnh đạo Trung Quốc thể hiện mong muốn cải cách kinh tế rộng rãi, nhưng dường như lại đi ngược lại về mặt chính trị. Tuy nhiên, theo George Yeo, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Singapore, điều này là chấp nhận được. Ông cho rằng quốc gia nào cũng có những bất đồng và bất ổn định nội bộ, và điều mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang làm là làm sao để những bất ổn đó không vượt qua giới hạn mà thôi.
Hay chỉ "dò đá qua sông"
Luồng quan điểm thứ ba thể hiện cái nhìn bi quan của các học giả về sự thành công của Hội nghị trung ương 3.
Thứ nhất, có những ý kiến phê phán cho rằng cho dù chính phủ Trung Quốc mong muốn tiến hành các cải cách táo bạo, nhưng vẫn có những nhóm lợi ích lớn cản trở những mong muốn cải cách đó.
Thứ hai, các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ không thể thực hiện các cải cách về chính trị đủ để có thể thúc đẩy các cải cách về mặt kinh tế.
Và thứ ba, các học giả hoài nghi nhận định cho rằng hệ thống ra quyết định tập thể của Đảng Cộng sản Trung Quốc (Ban Chấp hành Trung ương Đảng) sẽ khó có thể thống nhất để đưa ra được các chính sách chung nhất. Điều này làm hạn chế hiệu lực của các cải cách nếu có.
Những quan điểm bi quan này nhận được sự đồng tình của hai học giả Cheng Li và Ryan McElveen tại Viện Brookings. Tuy nhiên, hai ông cũng cho rằng nhận định như vậy là chưa xem xét toàn diện vấn đề. Thứ nhất, so với thế hệ lãnh đạo trước, các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện nay như Tập Cận Bình hay Lý Khắc Cường có khả năng chính trị cao hơn trong việc kiểm soát các tập đoàn nhà nước và liên kết giữa các cơ quan chính phủ với nhau.
Thứ hai, cải cách thị trường sẽ vừa tác động làm thay đổi chính trị, vừa có thể tạo ra động lực giúp Tập Cận Bình thực hiện những thay đổi khác trong tương lai gần. Và thứ ba, sự chia rẽ bè phái trong Đảng có thể có, xong cho đến gần đây thì cả hai bên đều dường như đã hợp tác với nhau nhiều hơn. Do những thách thức ngày càng gia tăng về kinh tế và đặc biệt là xã hội, tính chính danh là điều mà cả hai bên đều nhận thức được một cách rõ nét.
Tuy nhiên, với những khó khăn trên, Tập Cận Bình sẽ phải tổ chức đàm phán giữa các nhóm lợi ích với nhau nếu ông hy vọng Hội nghị lần này thực sự là một cuộc cách mạng về kinh tế. Đối với vấn đề doanh nghiệp nhà nước, các chiến lược gia cho rằng Trung Quốc đang rất cần giải quyết nạn tham nhũng và kém hiệu quả trong cơ cấu. Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích cho biết, các nhà lãnh đạo Trung Quốc rất có thể sẽ né tránh vấn đề này.
Các nhà phân tích cũng cho biết thêm, đối với các doanh nghiệp nhà nước, Hội nghị lần này có thể chỉ nhắc lại tính hiệu quả cần thiết của các doanh nghiệp, hoặc đơn giản là bỏ qua vấn đề này. Họ cho rằng: "Chúng tôi hy vọng cuộc họp sẽ dẫn đến việc ban hành một kế hoạch cải cách sâu rộng về các vấn đề cơ cấu, nhưng hiệu quả của nó là không chắc chắn mà phụ thuộc vào tiến trình thực hiện."
Nếu nhìn nhận một cách tích cực hơn, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang hứa hẹn những thay đổi đáng kể tại một cuộc họp mà những người ủng hộ cải cách hy vọng sẽ làm nên lịch sử bằng cách tạo ra một làn sóng mới trong chuyển đổi kinh tế, để đối mặt với áp lực đại tu một mô hình tăng trưởng đã lỗi thời.
Do đó, các nhà phân tích cho rằng cuộc họp bốn ngày chỉ là sự bắt đầu của một quá trình dài gai góc.
Họ nói rằng các nhà lãnh đạo có thể sẽ đồng ý về sự thay đổi trong một vài lĩnh vực như tài chính, mà để lại những vấn đề còn tồn đọng. Ông Tao Ran, giám đốc Trung tâm chính sách công Brookings - Tsinghua tại Bắc Kinh cho rằng: "Bạn không thể đưa ra toàn bộ các cải cách và nói với mọi người rằng phải làm tất cả mọi thứ cùng một lúc."