1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc bị "vạ lây" trong khủng hoảng tại Myanmar

Thành Đạt

(Dân trí) - Mặc dù Trung Quốc đã tìm cách đứng ngoài tình trạng hỗn loạn tại Myanmar, song Bắc Kinh vẫn không tránh khỏi những ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng này.

Trung Quốc bị vạ lây trong khủng hoảng tại Myanmar - 1

Khói bốc lên từ khu công nghiệp ở Hlaing Thar Yar, Yangon hôm 14/3 (Ảnh: Nikkei).

Các vụ tấn công nhằm vào các nhà máy do Trung Quốc đầu tư tại thành phố Yangon, Myanmar đã vấp phải phản ứng dữ dội từ Bắc Kinh. Trung Quốc đã bị lôi kéo vào cuộc khủng hoảng ngày càng căng thẳng tại Myanmar, dù Bắc Kinh đã tìm cách đứng ngoài lề.

Sau khi hàng loạt nhà máy Trung Quốc ở Yangon bị đám đông tấn công vào cuối tuần qua, Bắc Kinh cảnh báo sẽ cân nhắc "hành động mạnh mẽ hơn" để bảo vệ các lợi ích của nước này.

Vào ngày bạo lực "đẫm máu nhất" kể từ khi xảy ra đảo chính, ít nhất 50 người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với lực lượng an ninh tại khu công nghiệp Hlaingtharya.

Trong tuyên bố mới đây, Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar không đề cập tới những trường hợp tử vong. Thay vào đó, Bắc Kinh lên án các cuộc tấn công nhằm vào các nhà máy của Trung Quốc ở Yangon, trong đó một số cơ sở bị đốt cháy.

Danh tính của những kẻ tấn công hiện vẫn chưa được công bố. Tuy nhiên những người biểu tình phản đối đảo chính tại Myanmar ngày càng trút giận lên Trung Quốc, cáo buộc Bắc Kinh ủng hộ chính quyền quân sự và coi cuộc đảo chính là "vấn đề nội bộ" của Myanmar.

Trong tuyên bố đầu tiên bày tỏ lo ngại về tình hình tại Myanmar, chính phủ Trung Quốc kêu gọi kiểm soát chặt chẽ truyền thông, đồng thời hối thúc Myanmar hành động để "tránh tái diễn những vụ việc tương tự".

Trong tuyên bố khẩn ngày 14/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tránh đề cập tới thương vong của dân thường tại Myanmar, mà chỉ nói rằng Bắc Kinh "rất quan ngại về những tác động đối với sự an toàn của các tổ chức và công dân Trung Quốc".

Trung Quốc cảnh báo hành động quyết liệt hơn

Truyền thông nhà nước Trung Quốc CGTN có động thái mạnh mẽ hơn, cảnh báo Bắc Kinh "sẽ không cho phép các lợi ích của mình bị ảnh hưởng bởi những hành vi hung hăng". CGTN tuyên bố nếu các nhà chức trách Myanmar không can thiệp và khủng hoảng vẫn tiếp tục lan rộng, Trung Quốc buộc phải hành động mạnh tay hơn để bảo vệ các lợi ích của nước này.

Theo CGTN, ít nhất 32 nhà máy do Trung Quốc rót vốn đã bị cướp phá và đốt cháy trong cuộc bạo động ngày 14/3. Theo Đại sứ quán Trung Quốc, 2 nhân viên của nước này đã bị thương, trong khi thiệt hại về tài sản ước tính lên tới gần 240 triệu Nhân dân tệ (37 triệu USD).

Sau thông báo của Đại sứ quán Trung Quốc, Myanmar đã áp lệnh thiết quân luật tại Hlaingtharyar và một số khu vực khác ở Yangon.

Trung Quốc bị vạ lây trong khủng hoảng tại Myanmar - 2

Nhà máy bị đốt cháy ở Yangon, Myanmar (Ảnh: SCMP).

Trước khi xảy ra các cuộc tấn công nhằm vào các nhà máy, Bắc Kinh đã cảnh giác trước những mối đe dọa từ các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ đối với dự án đường ống dẫn khí đốt do Trung Quốc đầu tư. Dự kéo dài 800 km qua lãnh thổ Myanmar, từ tỉnh Vân Nam phía nam Trung Quốc tới bang Rakhine phía tây Myanmar.

Bai Tian, người đứng đầu bộ phận an ninh đối ngoại của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã có cuộc họp khẩn cấp với các quan chức Bộ Nội vụ và Bộ Ngoại giao Myanmar, để hối thúc chính quyền quân sự bảo đảm sự an toàn của hệ thống đường ống trên.

"Không nên cho phép những lời chỉ trích nhằm vào dự án đường ống khí đốt, vì dự án này đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của Myanmar. Các tổ chức liên quan nên kiểm soát các thông tin sai lệch liên quan tới dự án này", quan chức Trung Quốc cho biết.

Trung Quốc đã phải "hứng" chỉ trích vì được cho là ngầm ủng hộ chính quyền quân sự tại Myanmar. Sự hoài nghi của công chúng Myanmar đối với Trung Quốc càng "đổ thêm dầu vào lửa", giữa lúc phong trào biểu tình lan rộng tại quốc gia Đông Nam Á.

"Đây không còn là công việc nội bộ nữa. Trung Quốc đã đưa ra những ngôn từ mạnh mẽ khi lợi ích của họ bị đe dọa", một chủ doanh nghiệp Myanmar viết trên Twitter.

Một nhà phân tích tại Yangon cho rằng, những phát ngôn công khai của Bắc Kinh càng đẩy tâm lý chống Trung Quốc tại Myanmar lên cao.

"Các thanh niên (Myanmar) đã xóa các trò chơi phổ biến trên điện thoại di động do các công ty Trung Quốc phát triển. Làn sóng tẩy chay này có thể sẽ lan sang các sản phẩm khác, như điện thoại di động. Tuy vậy, không dễ để công chúng tẩy chay mọi thứ từ Trung Quốc, đặc biệt là những hàng hóa và mặt hàng giá rẻ", nhà phân tích tại Yangon nhận định.

Theo nhà phân tích trên, "trong bối cảnh cơn giận dữ của công chúng đang gia tăng tại Myanmar, chính quyền Trung Quốc sẽ gặp khó khăn hơn trong việc thúc đẩy các dự án chiến lược trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường kết nối Myanmar và Trung Quốc. Mức độ an toàn của các dự án này ngày càng bấp bênh hơn".

Làn sóng tẩy chay hàng hóa Trung Quốc bùng phát mạnh mẽ trong những tuần gần đây, trong khi người biểu tình vẫn tụ tập bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc, yêu cầu Bắc Kinh lên án cuộc đảo chính tại Myanmar.

Không chỉ Trung Quốc, tình trạng bạo lực tại Myanmar cũng khiến các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại. Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tại Myanmar đã ra tuyên bố, bày tỏ "quan ngại sâu sắc về tình trạng bạo lực tiếp diễn nhằm vào những  người Myanmar tham gia vào các cuộc biểu tình ôn hòa, gây ra nhiều thương vong".

Sau các cuộc tấn công nhằm vào các nhà máy, Cơ quan đối ngoại Đài Loan tại Myanmar cũng khuyến cáo các công ty Đài Loan treo cờ và biển hiệu để đánh dấu nguồn gốc, tránh bị nhầm với các công ty của Trung Quốc đại lục.

Dòng sự kiện: Đảo chính tại Myanmar