Nhà đầu tư Trung Quốc bất an khi hàng loạt nhà máy bị đốt phá tại Myanmar
(Dân trí) - Các nhà đầu tư Trung Quốc tại một khu công nghiệp ở Myanmar đang cân nhắc tự trang bị vũ khí sau khi hàng chục nhà máy bị cướp bóc và đốt phá.
Thời báo Hoàn cầu, ấn phẩm phụ của Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, đưa tin 32 nhà máy do Trung Quốc đầu tư tại khu công nghiệp Hlaingthaya ở thành phố Yangon, Myanmar đã bị thiệt hại sau ngày 14/3. Theo Thời báo Hoàn cầu, 2 công nhân Trung Quốc đã bị thương và thiệt hại tài sản lên tới 240 triệu Nhân dân tệ (37,8 triệu USD).
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CGTN) cho biết những kẻ tấn công đã sử dụng các thanh sắt, rìu và xăng phóng hỏa tại lối vào các nhà máy và nhà kho. Các phương tiện và cửa hàng gần đó cũng bị phá hoại.
Thiết quân luật đã được áp đặt tại Hlaingthaya và một số quận khác của Yangon kể từ đêm 14/3, tuy nhiên các chủ doanh nghiệp Trung Quốc cho biết một nhà máy khác của Trung Quốc vẫn bị phóng hỏa ngay sau khi thiết quân luật có hiệu lực.
Theo Reuters, ít nhất 22 người biểu tình phản đối đảo chính quân sự tại Myanmar đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với lực lượng an ninh tại khu công nghiệp Hlaingthaya hôm 14/3, sau khi các nhà máy bị đốt cháy.
Một chủ nhà máy Trung Quốc cho biết hơn 20 kẻ phá hoại đã đi xe máy, mang theo chai đựng chất gây cháy và dao khi xông vào các nhà máy tại khu công nghiệp. Các đối tượng này đập phá tài sản và hôi của trước khi phóng hỏa các tòa nhà.
"Nhiều cột khói bốc lên từ khu công nghiệp và lửa tiếp tục bùng lên cho tới 3-4 giờ sáng hôm sau", chủ nhà máy Trung Quốc nói, đồng thời cho biết ông bị thiệt hại về tài sản lên tới 200.000 USD do nhà kho tại khu công nghiệp bị phóng hỏa hôm 14/3.
"Là những người nước ngoài, chúng tôi không thể làm được gì", chủ nhà máy cho biết thêm.
Hlaingthaya là một trong những khu công nghiệp lớn nhất tại Yangon, tập trung hơn 100 nhà máy may mặc do Trung Quốc đầu tư. Các vụ tấn công diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh được cho là ủng hộ chính quyền quân sự tại Myanmar sau cuộc đảo chính hôm 1/2.
Trong những tuần gần đây, người biểu tình đã tập trung bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc ở Yangon, kêu gọi Bắc Kinh lên án vụ đảo chính của quân đội Myanmar.
Các chủ doanh nghiệp Trung Quốc cho biết họ đã tăng cường an ninh để bảo vệ tài sản của mình.
"Chúng tôi đã niêm phong toàn bộ cửa sổ của các nhà máy và điều thêm nhân viên an ninh mang dùi cui điện để tuần tra. Chúng tôi cũng mua nhiều bình cứu hỏa trong ngày hôm nay", một chủ doanh nghiệp khác cho biết.
Lee Htay, một người Trung Quốc đang điều hành doanh nghiệp vận tải ở Yangon, cho biết một số người Trung Quốc đang cân nhắc việc tự trang bị vũ khí để đảm bảo an toàn. Ông Lee nói rằng nỗi sợ lớn nhất của ông là cuộc bạo động chống Trung Quốc vào năm 1967 sẽ tái diễn.
Theo ông Lee, một số nhà máy bị phá hủy dù là tài sản chung của cả ông chủ Trung Quốc và Myanmar.
"Theo tôi biết, tất cả các công ty Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore đều treo quốc kỳ, để thông báo với đám đông rằng họ không phải là mục tiêu", ông Lee cho biết.
Một số người Trung Quốc tại Myanmar kêu gọi sơ tán công dân Trung Quốc khỏi nước này. Tuy nhiên ông Lee cho biết điều này có thể sẽ rất phức tạp.
"Một số người Trung Quốc làm việc cho các công ty muốn hồi hương, nhưng các chủ doanh nghiệp sẽ không cân nhắc đến việc rời đi trừ khi tình hình bị mất kiểm soát. Có hơn 400.000 người Trung Quốc đang làm việc ở Myanmar và nhiều người trong số họ đang hoạt động kinh doanh. Họ khó có thể từ bỏ doanh nghiệp của mình để về nước", ông Lee cho biết thêm.
Tối 14/3, Đại sứ quán Trung Quốc đã kêu gọi Myanmar hành động để ngăn chặn bạo lực và trừng phạt những kẻ phá hoại.