1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

138 người đã thiệt mạng, Trung Quốc phản ứng mạnh về khủng hoảng Myanmar

Minh Phương

(Dân trí) - Cộng đồng quốc tế, trong đó có Trung Quốc, đồng loạt lên án bạo lực ở Myanmar khi ít nhất 138 người biểu tình ôn hòa đã thiệt mạng kể từ sau binh biến ngày 1/2 ở quốc gia này.

138 người đã thiệt mạng, Trung Quốc phản ứng mạnh về khủng hoảng Myanmar - 1
Người biểu tình phản đối chính quyền quân sự ở Mandalay, Myanmar ngày 15/3 (Ảnh: Reuters).

Ít nhất 138 người biểu tình đã thiệt mạng

Người phát ngôn Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric cho biết, ít nhất 138 người biểu tình ôn hòa bao gồm cả phụ nữ và trẻ em đã thiệt mạng kể từ khi quân đội Myanmar lật đổ chính quyền dân sự và nắm quyền điều hành đất nước. Trong số này có 38 người thiệt mạng hôm 14/3 (chưa kể một cảnh sát cũng thiệt mạng) tại Hlaingthaya, phía nam thành phố Yangon.

Trong khi đó, một số nguồn tin địa phương nói rằng, ít nhất 50 người đã thiệt mạng trong ngày biểu tình đẫm máu 14/3.

Ông Dujarric cho biết, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres "lên án mạnh mẽ tình trạng bạo lực tiếp diễn nhằm vào người biểu tình ôn hòa và (quân đội) vi phạm các quyền cơ bản của người dân Myanmar". Người đứng đầu Liên Hợp Quốc một lần nữa kêu gọi cộng đồng quốc tế, trong đó bao gồm các nước trong khu vực đứng về phía người dân Myanmar và những khát vọng dân chủ của họ.

Trước đó, đặc phái viên Liên Hợp Quốc Christine Schraner Burgener ra thông cáo lên án bạo lực đẫm máu ở Myanmar khi "quân đội phớt lờ lời kêu gọi của quốc tế, trong đó có kêu gọi từ Hội đồng Bảo an, về việc kiềm chế, đối thoại và tôn trọng các quyền cơ bản của người dân". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jalina Porter hôm qua bình luận: "Chính quyền quân sự Myanmar đã đáp lại lời kêu gọi khôi phục nền dân chủ ở Myanmar bằng súng đạn... Mỹ tiếp tục kêu gọi tất cả các nước có những hành động cụ thể để phản đối cuộc đảo chính này và tình trạng leo thang bạo lực".

Mặc dù vậy, đến nay, quân đội Myanmar chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ đáp ứng lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế.

Trung Quốc phản ứng mạnh nhất từ trước đến nay

138 người đã thiệt mạng, Trung Quốc phản ứng mạnh về khủng hoảng Myanmar - 2
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Ảnh: AFP).

Trung Quốc đã lên án mạnh mẽ tình hình bạo lực ở Myanmar đặc biệt sau khi hàng loạt nhà máy có vốn đầu tư Trung Quốc bị đốt phá trong ngày biểu tình đẫm máu 14/3. Các nhà máy có vốn đầu tư Trung Quốc đã trở thành mục tiêu tấn công, đốt phá trong các cuộc biểu tình phản đối chính biến ở Myanmar cuối tuần qua. Thời báo Hoàn cầu (Global Times) cho biết, tổng cộng 32 nhà máy có vốn đầu tư của Trung Quốc ở khu vực Yangon đã bị tấn công hoặc phóng hỏa. Thiệt hại vật chất ước tính ít nhất 240 triệu Nhân dân tệ (gần 37 triệu USD). Ngoài ra, một số công nhân người Trung Quốc cũng bị thương.

Người biểu tình cáo buộc Bắc Kinh hậu thuẫn cuộc đảo chính và chính quyền quân sự Myanmar mặc dù Trung Quốc nhiều lần bác bỏ có vai trò trong chính biến ở quốc gia Đông Nam Á này.

Ngay sau vụ việc này, Đại sứ quán Trung Quốc đã ra thông cáo đề nghị chính quyền Myanmar đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng cho công dân Trung Quốc. Tại cuộc họp báo ngày 15/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nhấn mạnh, Myanmar cần "tiến hành các biện pháp hiệu quả hơn nữa để ngăn chặn các hành động bạo lực, trừng phạt những kẻ tấn công dựa trên luật pháp và đảm bảo an toàn cho doanh nghiệp và công dân Trung Quốc ở Myanmar". Ông Triệu không đề cập liệu Bắc Kinh có kế hoạch sơ tán công dân khỏi Myanmar hay không.

"Phía Trung Quốc đang theo dõi sát các diễn biến ở Myanmar và vô cùng quan ngại về sự an toàn của các doanh nghiệp và công dân Trung Quốc bị ảnh hưởng", ông Triệu nói. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh thêm: "Phía Trung Quốc hy vọng Myanmar sẽ có các biện pháp cụ thể để đảm bảo an toàn cho công dân Trung Quốc và tránh sự việc tương tự xảy ra trong tương lai".

Ông Triệu cũng kêu gọi người biểu tình "bày tỏ yêu cầu, nguyện vọng của mình một cách hợp pháp, không xúi giục, tránh bị kích động để không làm tổn hại đến quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Trung Quốc và Myanmar".

Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đánh giá, đây là những bình luận gay gắt nhất của Trung Quốc về cuộc khủng hoảng Myanmar. Myanmar lún sâu vào khủng hoảng sau khi quân đội lật đổ chính quyền dân sự của nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi hôm 1/2.

Trung Quốc từ chối lên án chính biến ở Myanmar với lý do đây là "vấn đề nội bộ". Tuy nhiên, quan điểm này dường như bắt đầu thay đổi khi tuần trước Trung Quốc ủng hộ tuyên bố chung của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong đó mạnh mẽ lên án tình trạng bạo lực nhằm vào người biểu tình ôn hòa ở Myanmar, đồng thời kêu gọi quân đội Myanmar "kiềm chế tối đa". Tuyên bố cũng kêu gọi chính quyền quân sự Myanmar lập tức trả tự do cho các lãnh đạo dân sự trong đó có Cố vấn Nhà nước Aung Suu Kyi và Tổng thống Win Myint.

Trung Quốc và Myanmar đã nhất trí mở đường ống dẫn dầu xuyên biên giới vào năm 2017 khi bà Suu Kyi vẫn nắm quyền. Dự án này cho phép Bắc Kinh đa dạng đường trung chuyển dầu, tránh qua eo biển Malacca ở Biển Đông. Tuy nhiên, dự án liên tục bị trì hoãn và vấp phải sự phản đối của người dân địa phương.

Pang Zhongying, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại một đại học của Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc đang tiến thoái lưỡng nan trong cuộc khủng hoảng Myanmar. "Một mặt Bắc Kinh cần duy trì quan hệ tốt với quân đội Myanmar để tiếp tục có được sự ủng hộ đối với các dự án hạ tầng ở Myanmar. Mặt khác, Trung Quốc không muốn bị coi là can thiệp vào vấn đề nội bộ của Myanmar hoặc quá thân thiết với quân đội Myanmar trước làn sóng chỉ trích của quốc tế", chuyên gia Zhongying nhận xét. Chuyên gia này nói thêm: "Các dự án có vốn đầu tư của Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ an ninh rất lớn, nhưng Trung Quốc không thể làm gì".

Dòng sự kiện: Đảo chính tại Myanmar