1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Trung Quốc bị nghi ồ ạt xây căn cứ không quân gần biên giới Ấn Độ

Đức Hoàng

(Dân trí) - Trung Quốc được cho là mở rộng hàng loạt căn cứ không quân tại các khu vực nằm gần với biên giới Ấn Độ, trong bối cảnh hai nước chưa thể tháo gỡ hoàn toàn căng thẳng vì tranh chấp chủ quyền.

Trung Quốc bị nghi ồ ạt xây căn cứ không quân gần biên giới Ấn Độ - 1

Tiêm kích J-11 (Ảnh: Quân đội Trung Quốc).

Telegraph India đưa tin, Trung Quốc dường như đang xây thêm 3 căn cứ không quân và mở rộng quy mô của 5 cơ sở quân sự khác từ Tân Cương tới Tây Tạng. Giới quan sát nhận định, đây được cho là động thái của Bắc Kinh nhằm gia tăng năng lực không quân trong kịch bản xảy ra xung đột với Ấn Độ ở Ladakh hoặc Arunachal.

Sự mở rộng này được cho là nằm trong chiến lược xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn của Trung Quốc, gồm các hạng mục như phòng không mặt đất, sân bay trực thăng và hệ thống đường sắt mới. Trung Quốc bắt đầu chiến lược này sau cuộc giao tranh với Ấn Độ ở Doklam năm 2017 và sau đó đã đẩy mạnh nó kể từ cuộc xung đột chết người với quân nhân Ấn Độ ở Galwan năm ngoái.

Tại Tân Cương, Trung Quốc đang xây căn cứ không quân mới ở Tashkurgan và mở rộng các căn cứ và sân bay ở Kashgar và Hotan. Căn cứ Hotan nằm gần khu vực ngăn cách Aksai Chin và Ladakh. Giới quan sát cho rằng, việc Trung Quốc gia tăng năng lực ở Hotan không phải là một điều chỉnh nhỏ, mà nó dường như thể hiện sự quyết liệt của Bắc Kinh trong việc gia tăng năng lực quân sự ở khu vực xung quanh Ladakh.

Gần Arunachal Pradesh, Trung Quốc cũng đang mở rộng khu vực từng là sân bay dân dụng tại Chengdu Bangda. Đường băng của sân bay đang được kéo dài và các cơ sở ngầm đang được xây dựng ở vùng núi bên cạnh sân bay. Đường băng dài là cần thiết vì sân bay nằm ở độ cao hơn 4.300 m và động cơ máy bay sẽ không thể hoạt động hết hiệu quả ở độ cao này.

Tại Tây Tạng, căn cứ không quân Ngari Gunsa hiện có 12 hầm trú ẩn cho máy bay, giúp nó có thể chứa được nhiều tiêm kích hơn. Hiện thời, mới chỉ có 4 chiếc J-11 đang đóng quân tại đây.

Ngoài ra, các hình ảnh vệ tinh cho thấy, Trung Quốc dường như đặt hệ thống tên lửa đất đối không ở Ngari Gunsa và các vị trí gần biên giới khác trong khu vực.

Theo giới quan sát, việc Trung Quốc xây dựng mạng lưới hàng không vừa có mục đích quân sự vừa có mục đích dân sự. Đây được xem là một phần trong chiến lược của Trung Quốc nhằm hiện đại hóa các khu vực có vị trí hẻo lánh.

Ngoài ra, Trung Quốc dường như muốn gia tăng sức mạnh trước việc Ấn Độ triển khai tiêm kích Rafale uy lực tại khu vực. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, việc Trung Quốc xây căn cứ không quân ở địa điểm quá cao so với mặt biển có thể gây ảnh hưởng tới hiệu suất hoạt động của các dòng máy bay hiện tại.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm