1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Biên giới Trung - Ấn "nóng" trở lại khi tuyết tan

Thanh Thành

(Dân trí) - Tranh chấp kéo dài nhiều thập niên qua trên dãy Himalaya giữa hai gã khổng lồ châu Á bùng lên dữ dội vào năm ngoái, với đỉnh điểm là cuộc đối đầu chết người ở Thung lũng Galwan.

Biên giới Trung - Ấn nóng trở lại khi tuyết tan - 1

Binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc trong một vụ xô xát hồi năm ngoái tại Thung lũng Galwan (Ảnh: AP).

Khi tuyết phủ dày đặc trên dãy Himalaya dọc theo biên giới tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc tan dần, đó là thời điểm có thể đẩy cả hai nước láng giềng này vào nguy cơ xung đột mới.

Trong năm qua, hàng nghìn binh sĩ vẫn chốt chặn nghiêm ngặt ở nhiều điểm dọc theo Đường kiểm soát thực tế (LAC) dài 3.488 km giữa hai nước. Trong một động thái được xem là nhằm hạ nhiệt căng thẳng, cả hai đã rút toàn bộ quân sĩ và khí tài quân sự hạng nặng ra khỏi Pangong Tso - một hồ băng ở độ cao 4.267m, nằm dọc theo LAC - vốn là "điểm nóng" căng thẳng giữa Trung - Ấn.

Tuy nhiên, hồi đầu tháng này, Tổng tư lệnh Lục quân Ấn Độ M.M. Naravane cho biết, "có động thái rút quân nhưng căng thẳng không giảm". Phát biểu với kênh News18 của Ấn Độ, Tướng Naravane cho biết, 50.000-60.000 lính Ấn Độ vẫn được triển khai dọc theo LAC.

"Cả hai bên đang quan sát lẫn nhau. Không có bất kỳ hành động xâm phạm nào và quá trình đàm phán vẫn đang tiếp tục", Tướng Naravane nói, đề cập đến 11 vòng đàm phán giữa các quan chức quân sự và ngoại giao cấp cao của hai nước. Tuy nhiên, vị Tổng tư lệnh Lục quân Ấn Độ nhấn mạnh thêm, "chúng tôi vẫn triển khai quân trên toàn bộ mặt trận và sẵn sàng cho chiến lược lâu dài".

Mùa đông, khi nhiệt độ xuống đến âm 40 độ C là yếu tố kiến tạo hòa bình tự nhiên cho khu vực vốn luôn nóng bỏng này. Cả Trung - Ấn đều tạm dừng tuần tra và nới lỏng việc triển khai quân do điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Nhưng giờ đây, khi mùa hè đến, cả hai bắt đầu tuần tra trở lại, tăng cường hậu cần và củng cố cơ sở hạ tầng dọc theo biên giới trên thực tế.

"Mùa hè là thời điểm thật sự "nóng" ở khu vực này", D.S. Hooda, cựu Tư lệnh phía bắc của quân đội Ấn Độ nhận định. Theo ông, khi các hoạt động tuần tra diễn ra thường xuyên, hai bên nghi ngờ nhau xâm phạm lãnh thổ bởi LAC không được đánh dấu rõ ràng và "điều này sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra các sự cố vượt ra ngoài tầm kiểm soát".

Xung đột giữa hai nước láng giềng được trang bị vũ khí hạt nhân bùng phát vào tháng 5/2020, dẫn đến một cuộc giao tranh tại hồ Pangong Tso. Vào tháng 6, đụng độ lại xảy ra ở Thung lũng Galwan khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ và một số binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng. Báo Hindu hồi tuần trước dẫn lời một nguồn tin cấp cao cho biết hai bên xảy ra giao tranh nhỏ ở Thung lũng Galwan vào tuần đầu tiên của tháng 5 này, nhưng New Delhi phủ nhận.

Tăng cường, củng cố cơ sở hạ tầng

Chính phủ Ấn Độ đang chuẩn bị xây dựng đường hầm mới Nimmu-Padam-Darcha, kéo dài gần 300 km. Sau khi hoàn thành, hệ thống giao thông nối từ Ladakh đến Manali ở Himachal Pradesh sẽ thông suốt trong mọi điều kiện thời tiết. New Delhi cũng đã tăng tốc xây dựng các tiền đồn trong mọi điều kiện thời tiết để triển khai thêm quân đến dọc biên giới.

Trong khi đó, quân đội Trung Quốc cũng đã thiết lập một hệ thống phòng không chung mới kết hợp các đơn vị phòng không của lục quân với lực lượng không quân ở Tân Cương. Bắc Kinh đã điều 4 hệ thống vũ khí mới đến gần khu vực tranh chấp, gồm súng cối tự hành, xe bọc thép 8 bánh và bệ phóng tên lửa hạng nặng. 

Theo một sĩ quan Ấn Độ giấu tên, mùa hè là giai đoạn bận rộn nhất để quân đội chuẩn bị cho "mùa đông khắc nghiệt phía trước". Người này cho biết, khoảng thời gian giữa mùa đông được gọi là "mùa vận động" để hai bên chuẩn bị củng cố cơ sở hạ tầng - chẳng hạn như đường xá, kho dầu, sân bay… cũng sắp xếp hậu cần như chỗ ở, khẩu phần ăn và nguồn cung cấp thực phẩm.

"Chúng tôi cần thu xếp mọi thứ, từ nguồn nước, pin cho đến kính nhìn ban đêm", sĩ quan trên nói, nhưng cho biết việc tăng cường các hoạt động như thế vậy có thể khiến phía Trung Quốc nghi ngờ.

Hồi tháng 10/2020, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cáo buộc các hoạt động tăng cường cơ sở hạ tầng biên giới của Ấn Độ để tăng cường cơ sở hạ tầng biên giới là "nguyên nhân làm bùng nổ căng thẳng". Đáp trả, New Delhi đưa cáo buộc tương tự đối với Bắc Kinh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm