1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Trung Quốc bắt tay Nga tăng cường hiện diện ở Bắc Cực

Thanh Thành

(Dân trí) - Báo cáo mới từ một tổ chức tư vấn của Mỹ cho rằng, mối quan hệ nồng ấm hơn với Nga là chìa khóa then chốt cho tham vọng Bắc Cực của Trung Quốc.

Trung Quốc bắt tay Nga tăng cường hiện diện ở Bắc Cực - 1

Trung Quốc quan tâm đến Bắc Cực nhiều hơn khi băng tan (Ảnh: Shutterstock).

SCMP đưa tin, theo báo cáo của công ty Rand (Mỹ), mối quan hệ Nga - Trung sẽ định hình mức độ ảnh hưởng và các hoạt động ở Bắc Cực của Bắc Kinh trong những năm tới. 

"Ảnh hưởng của Trung Quốc và khả năng tiếp cận Bắc Cực sẽ tăng lên trong thập niên tới nếu Bắc Kinh tăng cường quan hệ chặt chẽ hơn với Moscow", báo cáo nhận định.

Tuy nhiên, mối quan hệ chặt chẽ hơn này sẽ tạo ra những diễn biến khó đoán ở Bắc Cực, cũng theo nội dung báo cáo.

Hợp tác Nga - Trung ngày càng sâu sắc hơn trong thập niên qua, với việc hai quốc gia ký kết một số thỏa thuận thương mại và hàng hải dọc Tuyến đường biển phía bắc (NSR).

Đây là tuyến đường vận chuyển giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, chạy từ Murmansk trên Biển Barents, dọc theo bờ biển Bắc Cực của Nga qua Siberia, qua eo biển Bering và dọc theo vùng viễn đông của Nga.

Năm 2017, hai nước cũng đã thông qua việc cùng phát triển "Con đường Tơ lụa ở Bắc Cực".

Khái niệm Con đường Tơ lụa Bắc Cực của Trung Quốc - được giới thiệu trong Sách Trắng Bắc Cực chính thức đầu tiên vào năm 2018 - liên quan đến việc tạo ra những tuyến vận chuyển kết nối Đông Á, châu Âu và Bắc Mỹ đi qua Vòng bắc cực.

Nó cũng bao gồm các nỗ lực khai thác tài nguyên, môi trường và khoa học.
Báo cáo của Rand cho biết: "Từ góc độ của Trung Quốc, có những lợi ích rõ ràng khi hợp tác với Nga trong những lĩnh vực này".

"Vận tải biển đại diện cho hơn 90% vận chuyển thương mại quốc tế của Trung Quốc và việc mở các tuyến đường Bắc Cực sẽ làm giảm chi phí vận tải hàng hải cũng như rủi ro trong các tuyến đường vận tải khác, giảm tình trạng thiếu hụt năng lượng của Trung Quốc và đưa nước này trở thành trung tâm vận chuyển năng lượng Bắc Cực ra thế giới", báo cáo nêu rõ.

Tuy nhiên, mối quan hệ Trung Quốc - Nga đang phát triển sẽ là yếu tố chính trong việc định hình các hoạt động và sự hiện diện của Bắc Kinh ở Bắc Cực, đặc biệt nếu nền kinh tế Nga suy giảm do hậu quả của cuộc xung đột ở Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Báo cáo cho biết: "Moscow có thể tìm đến Trung Quốc để được giúp đỡ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển ở Bắc Cực, bao gồm đầu tư vào khai thác năng lượng và phát triển NSR để vận chuyển thương mại".

Nhưng theo báo cáo của Rand, Nga có khả năng vẫn cảnh giác với sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Bắc Cực.

Báo cáo cho rằng có 2 kịch bản có khả năng dẫn đến sự hiện diện đó. Một là, việc Nga suy yếu nên không còn khả năng ngăn chặn sự hiện diện gia tăng của Trung Quốc, dù còn những hoài nghi. Hai là Nga trở nên mạnh mẽ hơn và nhận thấy có lợi từ sự hiện diện của Trung Quốc mà không còn lo ngại.

Một hoạt động tuần tra chung gần đây dường như là chỉ dấu cho kịch bản thứ 2.

Tuần trước, một tàu tuần duyên của Mỹ tuần tra thường xuyên tại biển Bering gần Alaska đã bắt gặp các tàu chiến Trung Quốc và Nga tham gia chiến dịch quân sự chung mà các nhà phân tích gọi là "sự thể hiện tình đoàn kết".

Cuộc gặp gỡ diễn ra một tháng sau khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng, Trung Quốc đang quan tâm hơn đến Bắc Cực, và Nga tăng cường hoạt động tại khu vực giàu tài nguyên này bằng cách "mở lại các căn cứ thời Liên Xô", đóng quân và thử nghiệm những vũ khí hiện đại.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga đã được theo dõi chặt chẽ, sau khi Bắc Kinh vào tháng 2 tuyên bố rằng mối quan hệ hữu nghị với Nga "không có giới hạn".

Trung Quốc không phải là một quốc gia ở Bắc Cực nhưng là bên quan sát cùng 12 nước khác trong Hội đồng Bắc Cực, một diễn đàn liên chính phủ giải quyết các vấn đề mà chính phủ các quốc gia và người dân Bắc Cực phải đối mặt.

Mối quan tâm của Trung Quốc đối với Bắc Cực đã tăng lên khi băng tan đã mở ra các tuyến vận tải biển mới nhưng đây không phải là ưu tiên quốc tế hàng đầu đối với Bắc Kinh.

Theo báo cáo của Rand, cho dù ảnh hưởng của Trung Quốc ở Bắc Cực có thể tăng lên như thế nào, sự hiện diện của Bắc Kinh trong khu vực vẫn còn hạn chế.

"Các khoản đầu tư và sự hiện diện của Trung Quốc ở các khu vực Bắc Mỹ của Bắc Cực vẫn còn khá hạn chế", theo báo cáo.

Theo SCMP