Trung Quốc, Ấn Độ chạy đua vũ trang trên “nóc nhà thế giới”
(Dân trí) - Một cuộc chạy đua vũ trang đang diễn ra tại khu vực biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở dãy núi Himalaya, nơi được mệnh danh là “nóc nhà của thế giới”.
Các binh sĩ Ấn Độ tuần tra dọc biên giới Trung Quốc-Ấn Độ tại Arunachal Pradesh.
2 cường quốc châu Á đang đối đầu tại đây trên vùng núi phía đông dãy Himalaya. Trung Quốc đã cải thiện đáng kể các đường xá và đang xây dựng hoặc mở rộng các sân bay ở khu vực biên giới tại Tây Tạng. Nước này đã triển khai các tên lửa tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân trong khu vực và 300.000 binh sĩ từ cao nguyên Tây Tạng, theo một báo cáo của Bộ quốc phòng Mỹ năm 2010.
Trong khi đó, Ấn Độ đang thực hiện một kế hoạch 10 năm nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự trên lãnh thổ của mình. Tại bang Arunachal Pradesh, các chốt tuần tra bộ binh mới bắt đầu hoạt động tại biên giới kể từ tháng 5 năm nay trong khuôn khổ một nỗ lực nhằm bổ sung 60.000 binh sĩ vào lực lượng hiện đã bao gồm 120.000 quân tại đây. Ấn Độ cũng thành lập 2 đơn vị máy bay chiến đấu Sukhoi 30 và sẽ triển khai các tên lửa hành trình Brahmos.
“Nếu họ có thể tăng cường sức mạnh quân sự tại đó thì chúng tôi cũng tăng cường sức mạnh quân sự trong lãnh thổ của chúng tôi”, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ, Tướng A.K. Anthony phát biểu trước quốc hội gần đây.
Tuy nhiên, Trung Quốc đang có lợi thế hơn Ấn Độ trong việc xây dựng cơ sở hạt tầng tại khu vực.
Tuyến đường tiếp viện chính cho quân đội đi qua khu vực Arunachal thưa thớt cư dân cơ bản là một tuyến đường khó di chuyển. Dọc bên đường, các nhóm phụ nữ địa phương đang sửa chữa đường, nhiều người trong số họ còn địu các con nhỏ trên lưng. Cùng với vài xe ủi đất ọp ẹp, đó là tất cả các nỗ lực của quân đội Ấn Độ nhằm mở một tuyến đường hiện đại dùng để chuyển quân đội và vũ khí tới đường biên giới tranh chấp với Trung Quốc.
Giữa Ấn Độ và Trung Quốc từng xảy ra một cuộc chiến tranh biên giới vào năm 1962 và tất cả các bản đồ của Trung Quốc vẫn tuyên bố toàn bộ bang Arunachal Pradesh nằm trong biên giới nước này. Cuộc đối đầu đang tiếp diễn sẽ là phép thử cho thấy liệu 2 “ông lớn” của châu Á - với mỗi nước có trên 1 tỷ dân, quan hệ thương mại chặt chẽ và đều có tham vọng trở thành cường quốc toàn cầu - có thể tồn tại hoà bình cùng nhau hay không.
Với việc Mỹ đang chuyển trọng tâm vào châu Á, sự ganh đua giữa hai quốc gia láng giềng càng trở nên quyết liệt hơn.
Nguy cơ bùng nổ chiến tranh
“Với tốc tộ phát triển như hiện nay tại khu vực Tây Tạng và cơ sở hạ tầng đang được cải thiện, điều đó sẽ giúp Trung Quốc có khả năng nhất định”, Tướng A.K. Anthony nhận định. “Ở một mức nào đó, nếu tranh chấp lãnh thổ không được giải quyết thì sẽ nảy sinh các vấn đề”.
Những nút hãm
Nhưng một số nhà hoạch định chính sách lại hạ thấp khả năng xảy ra một cuộc đối đấu tại Arunachal. Vì cả hai nước đều sở hữu vũ khí hạt nhân nên không thể xảy ra một cuộc chiến tổng lực. Hơn nữa, địa hình phức tạp tại khu vực khiến một cuộc chiến tranh thông thường thậm chí cũng trở nên khó khăn.
Một đường dây nóng quốc phòng và các cuộc gặp gỡ thường xuyên giữa giới chức quân đội 2 nước giúp giảm căng thẳng. Thương mại song phương giữa Ấn Độ và Trung Quốc, vốn tăng vọt lên mức 74 tỷ USD trong năm 2011 từ mức vài tỷ USD một thập niên trước, cũng góp phần đẩy mạnh quan hệ.
Từ quan điểm của Trung Quốc, cuộc tranh chấp biên giới với Ấn Độ không đáng ngại với những mối bận tâm về quân sự hay biên giới khác của Bắc Kinh, như vấn đề Đài Loan. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân thì tỏ ra lạc quan.
“Trung Quốc và Ấn Độ có chung quan điểm về vấn đề biên giới, sẽ hợp tác cùng nhau để bảo vệ hoà bình và ổn định tại vùng biên giới. Hai nước cũng tin rằng bằng việc hướng tới mục tiêu chung, các cuộc đàm phán về biên giới sẽ đạt kết quả”, ông Lưu nói.
Hu Shisheng, một chuyên gia về quan hệ Trung-Ấn tại Học viện quan hệ quốc tế đương đại của Trung Quốc, cho hay tranh chấp biên giới thường bị truyền thông Ấn Độ thổi phồng khi nói rằng mối đe doạ từ Trung Quốc là rất mạnh mẽ. Nhưng các tiếng nói trong quân đội ủng hộ ủng hộ việc chiếm lấy khu vực đều tỏ ra yếu ớt, ông nói.
“Quân đội Trung Quốc có thể giành lấy khu vực đó bằng vũ lực, nhưng việc duy trì nó trong lâu dài có thể là rất khó khăn”, ông Hu cho biết, nhấn mạnh tới địa hình hiểm trở của khu vực.
Nhưng với việc cả hai quốc gia đều tiến hành việc hiện đại hoá hải quân và bị xung đột lợi ích trên khắp Nam Á và Biển Đông, những nguy chơ tranh chấp có thể là chất xúc tác cho một cuộc bùng phát bạo lực, một số nhà phân tích an ninh cảnh báo.
Một số quan chức trong chính phủ Trung Quốc cảnh báo rằng Ấn Độ đang trở thành một phần trong chiến lược của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc. Mỹ đã bán cho Ấn Độ số vũ khí trị giá 8 tỷ USD và Ấn Độ cũng chi khoảng 100 tỷ USD trong 10 năm qua để hiện đại hoá quân đội.
Hai quốc gia nhiều khả năng sẽ không lâm vào chiến tranh, nhưng không có lựa chọn nào khác là gia tăng sức mạnh cho quân đội cho vùng biên giới để tranh giành sự ảnh hưởng, một quan chức cấp cao của Ấn Độ về quan hệ Trung-Ấn cho hay.
An Bình
Tổng hợp