1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Triều Tiên và trò chơi “cân bằng bên miệng hố chiến tranh”

Căng thẳng tại Triều Tiên hiện đã dâng cao như một thùng thuốc súng có thể phát nổ bất cứ lúc nào - ông Đặng Xuân Thanh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam - nhận định với PV Lao Động ngày 11/3.

    Ông Đặng Xuân Thanh.

    Ông Đặng Xuân Thanh.
     
    Theo ông, bất cứ một đổ vỡ nào về an ninh trên suốt dọc Tây Thái Bình Dương đều có thể gây phản ứng dây chuyền, kích động một cuộc chạy đua vũ trang trên toàn khu vực.

    Ông nhận định như thế nào về những leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên hiện nay?

    - Tôi nghĩ cả hai bên đều đã sử dụng gần như tất cả những quân bài đe dọa của mình. Việc Triều Tiên đơn phương rút khỏi hiệp định đình chiến ký năm 1953 là một bước đi rất nguy hiểm, vì đây là hiệp định duy nhất còn ràng buộc hai miền khỏi rơi vào chiến tranh. Đáp lại, Hàn Quốc đã có những tuyên bố sẽ xóa sổ Triều Tiên khỏi mặt đất, hay đề xuất cần phát triển vũ khí hạt nhân để cân bằng với đe dọa từ Triều Tiên. Trong lần gia tăng căng thẳng này, vai trò và trách nhiệm của Mỹ và Trung Quốc hơn bao giờ hết là rất quan trọng để kiềm chế căng thẳng này không biến thành xung đột vũ trang.

    Khi ông Kim Jong-un kế nhiệm cha, phương Tây đã hồ hởi kỳ vọng về một Triều Tiên mới cởi mở và thân thiện hơn. Nhưng những gì diễn ra khiến nhiều chuyên gia nhận định ông Kim Jong-un còn cứng rắn hơn cả cha mình. Theo ông, đâu là lý do?

    - Là người từng học ở phương Tây, có thể sử dụng tiếng Anh và tiếng Đức thành thạo, chắc chắn ông Kim Jong-un rất hiểu về khát vọng một cuộc sống no đủ và hòa bình của người dân. Tuy nhiên, với một nhà lãnh đạo trẻ khi nắm quyền ở đất nước như Triều Tiên, thì lòng tin của nhân dân đối với uy tín cá nhân của ông phải là tuyệt đối. Điều đó dẫn đến việc dù ông Kim Jong-un đã nắm các chức vụ quan trọng nhất của Triều Tiên thì vẫn cần phải tự khẳng định mình bằng những quyết sách lớn để có được lòng tin của nhân dân như ông nội (lãnh tụ Kim Nhật Thành) và người cha (nhà lãnh đạo Kim Chính Nhật). Vì thế, nhà lãnh đạo mới phải có bước đi mạnh mẽ, chứng tỏ  ông chính là người đại diện tối cao cho dân tộc.
    Mỹ - Hàn tập trận giữa thời điểm căng thẳng leo thang tại bán đảo Triều Tiên.

    Mỹ - Hàn tập trận giữa thời điểm căng thẳng leo thang tại bán đảo Triều Tiên.


    Theo ông, chìa khóa tháo ngòi nổ đang nằm ở đâu?

    - Các bên hiện đều đã đứng bên thùng thuốc súng chiến tranh, thì chỉ cần một phát súng nhỏ cũng có thể gây nguy hiểm. Chìa khóa để tháo ngòi nổ nằm ở sự bình tĩnh và kiềm chế của tất cả các bên.  

    Điều gì sẽ xảy ra nếu giả định “thùng thuốc súng” phát nổ, thưa ông?

    - An ninh trên toàn khu vực Đông Á, bao gồm Đông Bắc Á và Đông Nam Á, luôn liên thông chặt chẽ với nhau. Có một chuỗi các điểm nóng tiềm tàng chạy dài từ nhóm đảo Nam Kuril ở phía bắc, qua bán đảo Triều Tiên, nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư, eo biển Đài Loan kéo xuống tận biển Đông. Bất cứ một đổ vỡ về an ninh tại một điểm nào đó dọc Tây Thái Bình Dương đều có thể gây phản ứng dây chuyền lan sang các vùng xung quanh.

    Nếu chiến tranh nổ ra, điều nguy hiểm trước hết là nó có thể cuốn nhiều nước tham chiến, kích động một cuộc chạy đua vũ trang trên toàn tuyến. Thứ hai là nó sẽ thổi bùng chủ nghĩa dân tộc vốn đang trỗi dậy mạnh mẽ ở Đông Bắc Á. Thứ ba là để đối phó với tình trạng đổ vỡ về mặt chiến lược như vậy, một mình Mỹ hay Trung Quốc không thể xử lý được. Họ cần có các đồng minh. Việc tập hợp các đồng minh này sẽ diễn ra mau chóng khó ai lường trước được. Và diện mạo địa chính trị tại khu vực sẽ bị đảo lộn ghê gớm. Nói tóm lại, đó sẽ là một thảm hỏa khôn lường.

      Tức là chúng ta hãy cùng hy vọng ngòi nổ căng thẳng sẽ sớm được tháo gỡ…

    - Không thể ngồi yên để mong chờ điều đó. Có một thuật ngữ chính trị học là “cân bằng bên miệng hố chiến tranh”, trong đó người tham gia phải có thần kinh thép, phải nắm rõ “luật chơi”, cũng như dự đoán bước đi để khỏi lăn xuống hố, cũng như thoát khỏi miệng hố. Có nhiều cách để giúp các bên rời miệng hố một cách an toàn, bắt đầu bằng việc phát đi những tín hiệu xuống thang, tiếp theo là những bước đi giảm căng thẳng từ cả hai phía. Để các bên có thể trao đổi những tín hiệu này, rất cần một quốc gia đóng vai trò làm trung gian hòa giải.

    Vào thời điểm hiện tại, mọi con mắt đều đổ dồn vào Trung Quốc - nước đã nhiều lần đảm nhiệm vai trò này. Song uy tín của Trung Quốc trong thời gian gần đây cũng bị sứt mẻ đôi chút về vấn đề Triều Tiên. Có thể Trung Quốc không bị bất ngờ, song đã không thể ngăn chặn được Triều Tiên có những bước đi gây căng thẳng như vậy. Đó sẽ là một thách thức với các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc, nhưng cũng là cơ hội để thể hiện vai trò của một nước lớn có trách nhiệm tại khu vực. Ngoài ra, LHQ cũng có thể là một lựa chọn cho vai trò trung gian này. ASEAN cũng có thể có tiếng nói, vì nếu muốn đóng vai trò trung tâm hội nhập không chỉ của Đông Nam Á mà còn Châu Á Thái Bình Dương thì ASEAN cũng cần có một vai trò trong việc duy trì an ninh, giải tỏa căng thẳng ở khu vực.

    Có nghĩa chiến tranh dù cận kề nhưng hoàn toàn có thể tránh, thưa ông?

    - Có thể không có nghĩa là chắc chắn. Chỉ cần mỗi bên lơ là một chút thôi, “súng có thể cướp cò” và chiến tranh sẽ nổ ra. Lúc này các bên cần sự tập trung và bình tĩnh cao độ để có thể xử lý tình huống một cách thận trọng và khôn ngoan nhất.

    - Xin cảm ơn ông!
     

    Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm