1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Triều Tiên phóng thử tên lửa phòng không mới

Minh Phương

(Dân trí) - Triều Tiên liên tiếp thực hiện các vụ thử tên lửa gần đây trong một động thái được cho là nhằm gây sức ép đàm phán với Mỹ và Hàn Quốc.

Triều Tiên phóng thử tên lửa phòng không mới - 1

Hình ảnh được cho là vụ phóng tên lửa từ đoàn tàu của Triều Tiên trong tháng 9/2021 (Ảnh: Reuters).

Hãng thông tấn KCNA đưa tin: "Triều Tiên đã phóng thử một tên lửa phòng không mới phát triển vào hôm 30/9 nhằm khẳng định tính thực tiễn trong hoạt động của bệ phóng, radar và phương tiện chỉ huy chiến đấu toàn diện cũng như năng lực chiến đấu của tên lửa".

KCNA cho biết thêm: "Học viện Khoa học Quốc phòng Triều Tiên thông báo, năng lực chiến đấu của tên lửa phòng không mới nhất này đã được xác nhận. Nó giúp tăng đáng kể phản ứng nhanh, mức độ dẫn đường chính xác và khoảng cách đánh trúng mục tiêu của hệ thống điều khiển tên lửa bằng công nghệ mới".

KCNA nhấn mạnh, vụ thử này có ý nghĩa thiết thực to lớn trong việc nghiên cứu và phát triển các loại hệ thống tên lửa phòng không trong tương lai của Triều Tiên.

Triều Tiên gần đây liên tiếp tiến hành các vụ thử tên lửa, trong đó có vụ phóng thử vũ khí được cho là tên lửa siêu thanh Hwasong-8 trong tuần này. Tuy chưa rõ các thông số kỹ thuật của tên lửa siêu thanh Hwasong-8, nhưng về lý thuyết, các tên lửa lượn siêu thanh có thể bay nhanh gấp 20 lần tốc độ âm thanh và có thể rất linh hoạt trong khi bay, khiến nó gần như không thể bắn hạ.

Các chuyên gia cho rằng, nếu Triều Tiên thực sự có thể sản xuất và triển khai vũ khí siêu thanh gắn đầu đạn hạt nhân, điều này có thể làm thay đổi cán cân quân sự trong khu vực.

Hồi đầu tháng này, Bình Nhưỡng cũng tuyên bố phóng thử thành công tên lửa hành trình tầm xa. Các vụ thử nghiệm này đã vấp phải sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế. Mỹ, Anh và Pháp đã kêu gọi triệu tập một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bàn về vấn đề Triều Tiên.

Theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an, Triều Tiên bị cấm theo đuổi chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân. Chương trình này khiến Bình Nhưỡng phải gánh nhiều lệnh trừng phạt quốc tế. Tuy vậy, Triều Tiên không có ý định từ bỏ với lập luận rằng chương trình này là cần thiết để giúp Triều Tiên phòng vệ trước các mối đe dọa từ Mỹ và đồng minh.

Mỹ và Hàn Quốc là hai đồng minh an ninh. Mỹ hiện có khoảng 28.500 binh sĩ đồn trú ở Hàn Quốc. Tháng trước, quân đội hai nước đã tiến hành các cuộc tập trận chung - hoạt động vốn bị Triều Tiên coi là mối đe dọa với an ninh, quốc phòng của họ.

Phản ứng về các vụ thử vũ khí

Khoảnh khắc Triều Tiên phóng tên lửa từ tàu hỏa

Sau các vụ thử tên lửa liên tiếp gần đây của Triều Tiên, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm qua cáo buộc Bình Nhưỡng đang gia tăng các hoạt động "gây mất ổn định, mất trật tự an ninh".

Các vụ thử tên lửa của Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh Bình Nhưỡng gần đây nhiều lần phát tín hiệu đối thoại với Hàn Quốc, mặt khác chỉ trích chính sách thù địch của Mỹ.

Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc Kim Song ngày 27/9 tuyên bố, mối quan hệ tốt đẹp giữa Mỹ và Triều Tiên có thể được thiết lập nếu Washington từ bỏ chính sách thù địch với Bình Nhưỡng.

"Nếu Mỹ muốn thấy chiến tranh Triều Tiên, cuộc chiến kéo dài nhất trên thế giới, đi đến hồi kết, và nếu Mỹ thực sự mong muốn hòa bình và hòa giải trên bán đảo Triều Tiên, họ nên thực hiện bước đi đầu tiên, đó là từ bỏ chính sách thù địch chống lại Triều Tiên, bằng cách ngừng vĩnh viễn các cuộc tập trận chung cũng như triển khai tất cả các loại vũ khí chiến lược", ông Kim nói.