1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hoài nghi xoay quanh vụ Triều Tiên thử thành công tên lửa siêu vượt âm

Đức Hoàng

(Dân trí) - Triều Tiên tuyên bố thử thành công tên lửa siêu vượt âm, tuy nhiên giới chuyên gia quân sự cho rằng Bình Nhưỡng có thể chưa làm chủ được công nghệ phức tạp này.

Hoài nghi xoay quanh vụ Triều Tiên thử thành công tên lửa siêu vượt âm - 1

Hình ảnh do Triều Tiên công bố về vụ thử tên lửa siêu vượt âm (Ảnh: KCNA).

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA cho biết, Bình Nhưỡng ngày 28/9 đã thử thành công tên lửa siêu vượt âm mới phát triển và vụ thử có "ý nghĩa chiến lược to lớn" trong bối cảnh Triều Tiên muốn nâng cấp năng lực phòng thủ "mạnh hơn gấp nghìn lần".

Không giống tên lửa đạn đạo thường bay vào không gian trước khi quay trở lại theo quỹ đạo dốc, vũ khí siêu vượt âm có thể bay tới mục tiêu ở độ cao thấp hơn và có thể đạt tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh - tức khoảng 6.200 km/h. Hiện chỉ có Mỹ, Nga và Trung Quốc đang sở hữu công nghệ tên lửa siêu vượt âm.

Nhà phân tích Yang Uk tại Diễn đàn quốc phòng Triều Tiên, nhận định tuyên bố thử thành công tên lửa siêu vượt âm của Triều Tiên có thể là "đòn tâm lý" nhằm vào Hàn Quốc và Mỹ.

Ông Yang nói: "Có những rào cản công nghệ khó khăn cần vượt qua trong việc phát triển các phương tiện lướt siêu vượt âm, bao gồm vấn đề nhiệt độ rất cao và những khó khăn trong việc kiểm soát chuyển động của tên lửa. Thật khó tin rằng Triều Tiên đã đạt được bất kỳ tiến bộ đáng kể nào trong việc phát triển công nghệ có tiềm năng thay đổi cuộc chơi này".

KCNA cho biết vụ phóng tên lửa mang tên Hwasong-8 ngày 28/9 từ tỉnh Jagang đã "xác nhận khả năng điều hướng và ổn định của tên lửa", cùng với "khả năng cơ động dẫn đường và các đặc tính bay lượn của đầu đạn siêu vượt âm tách rời" và động cơ.

"Kết quả thử nghiệm đã chứng minh rằng tất cả thông số kỹ thuật đáp ứng các yêu cầu thiết kế", KCNA cho biết.

Quân đội Hàn Quốc đã nắm được thông tin về vụ phóng tên lửa chỉ một thời gian ngắn sau khi nó được tiến hành hôm 28/9. Tuy nhiên, Hàn Quốc không công khai các thông số như khoảng cách bay hay độ cao của tên lửa như bình thường họ vẫn làm.

Truyền thông Hàn Quốc dẫn nguồn thạo tin cho hay, Hwasong-8 dường như có "đặc tính khác biệt về đường bay" so với các vụ phóng tên lửa trước đó và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in yêu cầu cấp dưới "phân tích toàn diện" về vụ phóng.

Chang Young-keun, một chuyên gia tên lửa tại Đại học Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc, hoài nghi về sự thành công của vụ thử tên lửa Hwasong-8. Chuyên gia này trích dẫn một báo cáo của tình báo quân đội Hàn Quốc nói rằng, tên lửa Triều Tiên mới phóng dường như chỉ đạt tốc độ Mach 2,5 (gấp 2,5 lần tốc độ âm thanh), chưa đủ điều kiện để được xem là siêu vượt âm.

"Thiết bị lướt siêu vượt âm (HGV) của Triều Tiên chưa thể so sánh với các sản phẩm tương tự của Mỹ, Nga hay Trung Quốc và giờ đây Bình Nhưỡng dường như đang tập trung vào các tên lửa tầm ngắn", ông Chang nói.

Trong khi đó, Lim Eul-chul, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông tại Đại học Kyungnam, nhận định Triều Tiên dường như muốn sử dụng việc phát triển vũ khí của họ nhằm tạo động lực cho mục tiêu ngoại giao và đối thoại với các đối thủ, cũng như nâng cao vị thế về mặt quân sự. Ông Lim dự đoán Triều Tiên sẽ tiếp tục thực hiện các vụ phóng tên lửa khác trong tương lai.