1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Triều Tiên muốn rời bỏ Trung Quốc để ngả theo Nga?

(Dân trí) - Triều Tiên ngày 17/11 đã cử một phái đoàn ngoại giao đặc biệt lên đường công du Nga kéo dài 8 ngày với mục đích không được tiết lộ, nhưng theo báo giới có thể là dấu hiệu Bình Nhưỡng muốn rời bỏ Bắc Kinh để ngả theo Mátxcơva.

Lãnh đạo Triều Tiên đang muốn xích lại gần hơn với Nga
Lãnh đạo Triều Tiên đang muốn xích lại gần hơn với Nga

Thông tin được trang tin chính trị Duowei News của người Trung Quốc tại nước ngoài đăng tải. Theo đó, sau thời gian dài vắng mặt vì lý do sức khỏe, nhà lãnh đạo Kim Jong-un của Triều Tiên vừa cử đặc phái viên của mình là ông Choe Ryong-hae tới Mátxcơva hôm thứ Hai, trong chuyến công du kéo dài 8 ngày, thông tin từ Bộ thống nhất Hàn Quốc cho biết.

Các nhà phân tích tin rằng ông Choe sẽ gặp Tổng thống Nga Putin trong chuyến đi này, và tranh thủ cơ hội để sắp xếp một cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo trong tương lai. Ông Choe cũng được tin là sẽ ghé thăm các thành phố Khabarovsk và Vladivostok của Nga ở vùng Viễn Đông, gần với biên giới Triều Tiên trên đường trở về từ Nga.

“Chính phủ của chúng tôi nhìn nhận việc cử ông Choe Ryong-hae tới Nga với tư cách đặc phái viên là một nỗ lực nữa của Triều Tiên trong việc đa dạng hóa các mối quan hệ đối ngoại”, người phát ngôn Bộ thống nhất Hàn Quốc Lim Byeong-cheol nói trong một cuộc họp báo.

“Triều Tiên dường như cố gắng thúc đẩy một chính sách ngoại giao tích cực trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang tăng cường phối hợp chống lại nước này trong các vấn đề chương trình hạt nhân và nhân quyền”.

Những cuộc tiếp xúc trực tiếp giữa Triều Tiên và Nga đã tăng trong vài tháng gần đây, khi ông Kim cố gắng chấm dứt tình trạng bị cô lập của nước mình, còn ông Putin tìm kiếm những cách thức khác để đối phó với những lệnh cấm vận của phương Tây, sau khi cáo buộc Mátxcơva can thiệp vào Ukraine.

Phó nguyên soái Hyon Yong-chol, người đứng đầu các lực lượng vũ trang Triều Tiên, hôm 8/11 đã gặp gỡ ông Putin để chuyển lời hỏi thăm từ ông Kim. Bộ trưởng ngoại giao Triều Tiên Ri Su-yong cũng đã tới thăm Nga hôm 30/9 trong chuyến công du kéo dài khoảng 10 ngày.

Hai nước gần đây cũng đã tăng cường hợp tác kinh tế. Hồi cuối tháng trước, Nga tuyên bố sẽ giúp Triều Tiên nâng cấp khoảng 3500 km đường sắt để đổi lại việc được tiếp cận ngành khai khoáng của nước này. Hồi tháng 5, Nga cũng đã xóa 90% nợ cũ cho Triều Tiên.

Sự thân thiết ngày càng tăng giữa Bình Nhưỡng và Mátxcơva là chỉ dấu cho thấy ông Kim cuối cùng đã quyết định sẽ ngừng bấu víu vào sự ủng hộ từ Bắc Kinh. Kể từ khi nhà lãnh đạo trẻ này lên nắm quyền tháng 12/2011, Trung Quốc đã tỏ ra khá lạnh nhạt, khi đứng về phía cộng đồng quốc tế để lên án vụ thử hạt nhân của Triều Tiên và không đồng ý để ông Kim gặp gỡ với Chủ tịch Tập Cận Bình.

Mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước bị cho là hầu như đã gián đoạn khi ông Kim xử tử ông chú dượng của mình là Jang Sung-taek vì tội phản quốc.

Ngoài Nga, Triều Tiên cũng đang tìm cách cải thiện quan hệ với các nước láng giềng gồm Nhật Bản và Mông Cổ, cũng như các nước châu Âu và châu Phi.

Hồi tháng trước, một nhóm công tác của chính phủ Nhật đã có chuyến thăm 4 ngày tới Triều Tiên theo lời mời của nước này, để tìm hiểu về cuộc điều tra các vụ bắt cóc công dân Nhật những năm 1970 và 1980. Cùng thời điểm này, chủ tịch quốc hội Triều Tiên Kim Yong-nam đã công du một loạt quốc gia châu Phi Ethiopia, Sudan, cộng hòa dân chủ Congo và Uganda để tăng cường quan hệ hợp tác.

Hồi tháng 9, bí thư trung ương đảng Lao động Triều Tiên Kang Sok-ju đã tới châu Âu và Mông Cổ, trong khi Bộ trưởng ngoại giao nước này tới thăm Iran, Nga và Mỹ. Mới đây toàn bộ 3 công dân Mỹ bị bắt tại Triều Tiên cũng đã được trả tự do trong một động thái chứng tỏ thiện chí.

Cựu đại sứ Trung Quốc Wang Yusheng tin rằng Triều Tiên là một “tài sản tiêu cực” của Trung Quốc, cho dù điều này không có nghĩa là mối quan hệ song phương không đem lại cho Bắc Kinh những lợi ích nào đó.

Trung quốc hiện tại đang thiếu những nghiên cứu để tìm ra sẽ làm làm gì với Triều Tiên, cho dù khó có khả năng nước này sẽ khoanh tay đứng nhìn trong khi Bình Nhưỡng và Mátxcơva đang ngày càng thân thiết hơn, ông Wang cho biết thêm.

Thanh Tùng
Theo Want China Times