Triều Tiên lưu đày hàng trăm họ hàng của chú ông Kim Jong-un
(Dân trí) - Sau khi chú dượng của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là ông Jang Song-thaek bị xử tử, hàng trăm họ hàng của người từng là nhân vật quyền lực số hai tại Triều Tiên này đã bị đưa vào các trại lao động khổ sai.
Theo tờ Telegraph của Anh, việc thành viên gia đình của bất kỳ ai bị xác định phạm tội tại Triều Tiên bị trừng phạt cùng với người thân là phổ biến. Tuy nhiên quy mô của vụ bắt giữ đối với các họ hàng của ông Jang Song-thaek cho thấy giới lãnh đạo Triều Tiên sẵn sàng đi xa tới đâu trong việc loại bỏ ông Jang và những người thân cận.
“Vào khoảng 10 giờ đêm ngày 13/12, một ngày sau khi Jang bị xử ử, những người có vũ trang từ Bộ an ninh nhà nước đã tới khu vực Pyongchon của Bình Nhưỡng, nơi rất nhiều họ hàng của ông ấy sống”, một nguồn tin tại thủ đô của Triều Tiên khẳng định với tờ Daily NK.
“Họ bắt đi vài trăm người”, nguồn tin này cho biết thêm. “Không chỉ có những người họ hàng gần với ông ta bị bắt đi, mà cả những họ hàng xa trong gia đình ông ấy cũng bị đưa đi, ví dụ như họ hàng của cha ông Jang. Với tình hình này, ngay cả bà con của ông ấy ở bên ngoài Bình Nhưỡng cũng không an toàn”.
Trước đó ông Jang bị khởi tố vì ít nhất 24 tội danh lạm dụng quyền lực hoặc vi phạm luật pháp Triều Tiên, với mục tiêu cuối cùng là lật đổ chính quyền.
Những tội danh này thuộc đủ cấp độ, từ “gây mất đoàn kết và gắn bó trong đảng” tới “mơ những giấc mơ khác thường”, và tạo ra “ảo tưởng về chính bản thân mình”.
Vị lãnh đạo 67 tuổi này còn bị buộc tội “có những phi phạm kỷ luật và tham nhũng, dẫn tới lối sống phóng đãng, trụy lạc”, có “mối quan hệ không đứng đắn với nhiều phụ nữ” hay “lãng phí ngoại tệ tại các sòng bạc”, trước khi bị xử tử.
Dù vậy, ngay sau khi ông Jang bị bắt, các họ hàng và người có mối liên hệ với ông nhận ra rằng sự trừng phạt của nhà nước sẽ không chỉ dừng lại ở người từng được xem là quyền lực số 2 tại Triều Tiên.
Việc bị xử tử có thể là hình phạt dành cho những người họ hàng hoặc đồng minh chính trị thân thiết nhất của ông Jang, trong khi những người khác sẽ bị đưa tới các trại cải tạo và ở đó đến hết đời.
Một vài trong số những người có khả năng gặp rủi ro đã tự nguyện giao nộp mình cho “cách mạng” bằng cách tới làm việc ở các hầm mỏ hoặc nông trại.
“Có vẻ như họ đang cố thực hiện các biện pháp tự trừng phạt nhằm tránh một án phạt nặng hơn, nhưng họ vẫn sẽ khó thoát được theo cách đó”, Daily NK phân tích. “Tội của ông Jang là phản đảng, gây chia rẽ chống cách mạng”, nên tất nhiên người ta sẽ nói rằng gia đình ông ta đã thách thức chính quyền.
“Do vậy, các hình phạt nghiêm khắc vẫn còn ở phía trước”.
Thanh Tùng
Theo Telegraph