1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Triều Tiên lấy tiền từ đâu để “nuôi” tham vọng hạt nhân?

(Dân trí) - Là một trong những nước bị trừng phạt nặng nề nhất thế giới và bị cô lập nhưng Triều Tiên vẫn có đủ nguồn lực tài chính để đầu tư vào các chương trình hạt nhân và tên lửa tốn kém. Giới phân tích cho rằng Bình Nhưỡng có thể có vài nguồn khác nhau để theo đuổi tham vọng của nước này.

Tên lửa Triều Tiên tham gia lễ duyệt binh tại thủ đô Bình Nhưỡng hôm 15/4 (Ảnh: Reuters)
Tên lửa Triều Tiên tham gia lễ duyệt binh tại thủ đô Bình Nhưỡng hôm 15/4 (Ảnh: Reuters)

Theo NBC, tiềm lực kinh tế của Triều Tiên hiện nay vẫn non yếu. Ngân hàng trung ương Hàn Quốc ước tính tổng thu nhập quốc dân của Triều Tiên trong năm 2015 là 34,5 nghìn tỷ won (khoảng 30 tỷ USD), tức chỉ bằng 2,2% so với Hàn Quốc. Tuy nhiên, Triều Tiên đã chi khoảng 25% tổng sản phẩm quốc nội cho các chương trình vũ khí của nước này.

Trước thực trạng trên, các chuyên gia phân tích cho rằng Triều Tiên có thể lấy tiền từ 5 nguồn khác nhau để theo đuổi các chương trình hạt nhân và tên lửa tốn kém của nước này, bất chấp những khó khăn từ cả trong và ngoài nước.

Trung Quốc

Theo Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), khoảng 3/4 hoạt động thương mại của Triều Tiên là với Trung Quốc - quốc gia láng giềng và là đồng minh duy nhất của Bình Nhưỡng. Trong một số lĩnh vực khác ngoài thương mại, tỷ lệ hợp tác qua lại giữa hai nước thậm chí còn cao hơn.

Theo ông Scott Snyder, Giám đốc chương trình về chính sách Mỹ - Hàn Quốc tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại của Mỹ, Trung Quốc có trong tay quyền lực rất lớn để có thể tác động tới tình hình tại Triều Tiên vì mối quan hệ gần gũi giữa hai nước. Điều này đặc biệt có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Mỹ liên tục gây sức ép để Bắc Kinh có biện pháp mạnh tay hơn trong việc kiềm chế Bình Nhưỡng.

Một trong những biện pháp mà ông Snyder cho rằng Trung Quốc có thể sử dụng để gây sức ép với Triều Tiên là dừng các nguồn cung cấp năng lượng cũng như lương thực cho nước này. Tuy nhiên, ông Snyder nhận định trong phần lớn các trường hợp, Trung Quốc không thể sử dụng quyền lực này vì điều đó có thể dẫn tới những hệ quả bất lợi, ảnh hưởng tới chính lợi ích của Trung Quốc tại Triều Tiên.

Cũng theo giới phân tích, trong trường hợp Triều Tiên sụp đổ, dòng người tị nạn từ nước này sẽ ồ ạt tràn qua biên giới và sang Trung Quốc. Điều này sẽ dẫn tới nhiều hệ quả khó lường, trong đó có sự suy yếu về kinh tế của khu vực đông bắc Trung Quốc. Và đây chính là lý do khiến Bắc Kinh luôn muốn thắt chặt quan hệ, thay vì gây ảnh hưởng tới Triều Tiên.

Xuất khẩu lao động

Lực lượng lao động Triều Tiên tại nước ngoài, trong đó chủ yếu là Nga và Trung Quốc, đã mang về nguồn thu tiền tệ mà Triều Tiên đang rất cần, theo Robert Manning, nhà nghiên cứu cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương - một tổ chức tư vấn chiến lược có có trụ sở tại Mỹ, nhận định.

Ngoài ra, các mặt hàng xuất khẩu khác như than đá và khoáng sản cũng mang lại lượng tiền lớn cho Bình Nhưỡng, gồm cả nhân dân tệ, USD và euro. “Tôi cho rằng phần nhiều trong số này được chi cho hoạt động của các công ty về tên lửa và hạt nhân (của Triều Tiên)”, ông Manning phỏng đoán.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và các tướng lĩnh quân đội kiểm tra một đầu đạn hạt nhân gắn trên tên lửa của Triều Tiên (Ảnh: Reuters)
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và các tướng lĩnh quân đội kiểm tra một đầu đạn hạt nhân gắn trên tên lửa của Triều Tiên (Ảnh: Reuters)

Buôn bán vũ khí

Theo Anwita Basu, chuyên gia phân tích hàng đầu về Indonesia, Philippines và Triều Tiên tại tổ chức Economist Intelligence Unit (EIU) - cơ quan nghiên cứu và phân tích kinh tế toàn cầu thuộc tạp chí The Economist, “nền kinh tế Triều Tiên về cơ bản vận hành dựa trên các thương vụ mua bán vũ khí”.

Bà Basu lấy dẫn chứng về các hợp đồng xuất khẩu vũ khí giữa Triều Tiên với các nước châu Phi để chứng minh cho nhận định của mình. Trong khi đó, một số nhà phân tích chính trị khác dự đoán rằng có sự liên kết giữa Triều Tiên và Iran trong các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.

Một bản báo cáo do Hội đồng chuyên gia thuộc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc công bố hồi tháng 2 cho thấy Triều Tiên được cho là “vẫn tiếp tục có các hoạt động buôn bán vũ khí và các trang thiết bị liên quan”, đồng thời đẩy mạnh khai thác các thị trường ở châu Á, châu Phi và Trung Đông.

Cũng theo báo cáo trên, Triều Tiên bị nghi ngờ đang tham gia vào các dự án xây dựng các cơ sở an ninh, quân sự và chế tạo vũ khí tại châu Phi thông qua các công ty xây dựng của Bình Nhưỡng tại khu vực này. Báo cáo cho biết ngày 11/8/2016, Ai Cập đã chặn một tàu của Triều Tiên khi tàu này đang trong hành trình đi từ Triều Tiên về phía kênh đào Suez, sau đó phát hiện 30.000 đạn tên lửa PG-7 cùng nhiều bộ phận vũ khí có liên quan được đặt trong các thùng gỗ và giấu bên dưới 2.300 tấn quặng sắt trên tàu.

Tấn công mạng?

Theo NBC, Triều Tiên được cho là có thể kiếm tiền từ các hoạt động tấn công mạng. Năm 2016, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tại New York công bố báo cáo cho biết Triều Tiên bị nghi ngờ đứng đằng sau vụ “trộm qua mạng” 81 triệu USD từ tài khoản của Ngân hàng Trung ương Bangladesh bằng công nghệ cao. Thời báo Phố Wall dẫn một số nguồn thạo tin cho biết các công tố viên tin rằng một số cá nhân và tổ chức Trung Quốc đã đóng vai trò trung gian, giúp Triều Tiên thực hiện phi vụ này.

Theo NBC, một số công ty tài chính của Trung Quốc được cho là đã gián tiếp giúp Triều Tiên kiếm tiền bằng nhiều hình thức. Hồi tháng 2 vừa qua, 6 thượng nghị sĩ Mỹ đã gửi thư tới Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, kêu gọi chính phủ ngăn cản việc các ngân hàng Triều Tiên tiếp cận với các ngân hàng Trung Quốc. Đây được cho một trong những biện pháp mà Mỹ có thể áp dụng để kiềm chế Triều Tiên về kinh tế.

Thành Đạt

Tổng hợp