1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Triều Tiên đón Tết Giáp Ngọ với pháo hoa rực rỡ

(Dân trí) - Mặc dù Tết âm lịch theo truyền thống không phải ngày lễ lớn của người dân Triều Tiên, những người sử dụng loại lịch riêng của nước mình, năm nay Triều Tiên vẫn chào đón năm mới Giáp Ngọ với màn pháo hoa rực rỡ tại thủ đô Bình Nhưỡng.

Người Triều Tiên thường đi đặt hoa trước tượng các lãnh tụ mỗi dịp Tế
Người Triều Tiên thường đi đặt hoa trước tượng các lãnh tụ mỗi dịp Tết

Trong đoạn phim được đài truyền hình quốc gia Triều Tiên phát sóng, rất đông người dân đã tập trung xem màn bắn pháo hoa lung linh sắc màu tại quảng trường Kim Nhật Thành ở thủ đô Bình Nhưỡng trong đêm giao thừa.

Ngoài chiêm ngưỡng pháo hoa, người Triều Tiên cũng tới đặt hoa tại chân tượng đài của hai cố lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong-il, một nghi thức thường thấy trong những ngày lễ lớn của nước này.

Về mặt chính thức, lịch của Triều Tiên bắt đầu từ năm 1912, năm nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành ra đời. Bên cạnh đó nước này cũng thường sử dụng lịch Gregory như các nước phương Tây, công nhận ngày 1/1 dương lịch là thời điểm bắt đầu năm mới.

Do vậy, trong phần lớn lịch sử Triều Tiên, năm mới theo âm lịch không phải ngày lễ lớn của nước này.

Theo trang tin Daily NK có trụ sở tại Seoul, sinh thời, nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành còn xem năm mới âm lịch như là “một tàn tích của xã hội phong kiến”.

Tuy nhiên, từ năm 1989, truyền thông nhà nước Triều Tiên bắt đầu không ngừng nhấn mạnh sự quan tâm và chăm lo sâu sắc của nhà lãnh đạo Kim Jong-il dành cho người dân. Vì thế, năm mới âm lịch bắt đầu được chào đón một cách rộng rãi hơn.

Dù nhiều gia đình còn trong cảnh thiếu thốn lương thực, hầu hết đều cảm thấy vui thích với dịp lễ này.

Ngày tết ăn…đậu phụ

Và cũng giống như Hàn Quốc hay các nước châu Á khác, thực phẩm là một trong những yếu tố quan trọng trong dịp năm mới âm lịch tại Triều tiên.

Trong ngày này, người Triều Tiên thường gói những chiếc bánh nhỏ làm bằng gạo có tên songpyeon, trong khi người Hàn Quốc thường có phong tục ăn canh có bánh bột gạo. Nhưng nhìn chung người dân cả hai nước đều xem Tết âm lịch là dịp cả gia đình tụ họp và bày tỏ lòng thành kính tới tổ tiên.

Dịp lễ này thường kéo dài 3-4 ngày, nhưng việc chuẩn bị đón Tết có thể diễn ra trước đó một tháng. Một gia đình 4 người tương đối khá giả tại Triều Tiên trung bình có thể tiêu thụ 4 kg gạo, 2kg bột mỳ, 3 kg mỳ, 2 kg thịt lợn cũng như các loại dầu ăn và đồ uống có cồn. Các món ăn làm từ đậu hay đậu phụ rất được ưa thích.

Vào buổi sáng mùng 1, thành viên nam trong các gia đình sẽ tới nhà hàng xóm tặng thiệp mừng năm mới. Trong khi đó phụ nữ hầu như ít khi ra đường vào ngày mùng 1, do nhiều người vẫn tin rằng sẽ là không may mắn nếu người xông đất đầu năm là phụ nữ.

Thay vào đó, phụ nữ thường ở nhà và chơi các trò chơi dân gian, một trong số đó có tên Yut Nori, và chuẩn bị thức ăn và hát, múa. Trẻ em thì sẽ phải cúi chào người lớn tuổi.

Clip pháo hoa rực rỡ đêm giao thừa tại Bình Nhưỡng


Thanh Tùng
Tổng hợp