Ô tô "điên" gây náo loạn cây xăng, nghi do tài xế nhầm chân ga
(Dân trí) - Dường như tài xế đã đạp nhầm chân ga, thay vì chân phanh, hoàn toàn mất kiểm soát xe, không biết bao giờ mới dừng nếu không bị cột bê tông cản lại.
Sự việc được cho là xảy ra vào sáng 26/4 tại một cây xăng trên đường Phạm Hữu Lầu, phường 6, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
"Chắc tài xế đạp nhầm chân ga. Nhưng vẫn còn may là không gây thiệt hại về người. Quá đáng sợ! Lỗi nhầm chân ga xảy ra nhiều rồi, hy vọng mọi người khi lên xe hãy bình tĩnh xác định chân phanh, chân ga thật chuẩn rồi mới khởi hành", tài khoản Hoàng Tuấn bình luận sau khi xem video được chia sẻ trên mạng xã hội.
"Tình huống này có lẽ do tài xế đạp nhầm chân ga, hoặc xe bị kẹt chân ga. Có khi tài xế lùi xe vào để đổ xăng, vẫn để số lùi, xong muốn tiến lên thì đạp ga, xe không tiến mà lại lùi, tài xế bị hoảng, cuống.
Xe số sàn an toàn hơn xe số tự động ở điểm này; khi xe bị kẹt ga, tăng tốc mất kiểm soát, chỉ cần ngắt côn, đạp phanh là ổn", tài khoản Đức Linh bình luận.
"Cái này là do khi đỗ xe tắt máy để đổ xăng nhưng không trả thẳng bánh nên xe tự động khóa vô lăng. Đổ xăng xong tài xế nổ máy cứ thế vào số lùi không biết đã bị khóa vô lăng nên cuống, sang tiếp số D, không đạp phanh mà đạp nhầm ga. Tôi cũng có lần bị như vậy hồi mới tập lái", tài khoản Huy Quân chia sẻ.
"Đúng là xe bị khóa vô lăng nên mới có kiểu chạy đúng một vòng tròn như vậy. Nhầm chân ga thì trong cơn bấn loạn cũng sẽ đánh lái loạn xạ chứ không thể hình tròn thế này", tài khoản H. Nguyễn đồng tình với ý kiến trên.
Một số lưu ý để tránh nhầm chân ga
Trước tiên, người cầm lái nên sử dụng giày đế mỏng và phẳng để bàn chân và cổ chân có thể cảm nhận chân phanh - chân ga chân thật hơn.
Với phụ nữ, nhu cầu đi giày cao gót hoặc dép lê cho phù hợp với trang phục là điều dễ hiểu, nên hãy luôn chuẩn bị sẵn một đôi giày phù hợp để lái xe. Việc thay giày/dép chỉ mất vài phút.
Thứ hai, người cầm lái cần tập thói quen giữ nguyên gót chân, chỉ di chuyển phần mũi chân giữa chân phanh và chân ga mỗi khi muốn giảm tốc độ hoặc tăng tốc, thay vì di chuyển cả bàn chân để đạp ga hoặc phanh, vì như vậy dễ rơi vào tình trạng không phân biệt được chân đang đặt ở ga hay phanh.
Cụ thể, tài xế đặt chân phải ngay sát chân phanh, sau đó tì gót chân lên sàn xe, lấy đó làm điểm tựa, chỉ xoay gót chân bên phải để điều khiển ga hoặc phanh, ngay khi không ga thì phải chuyển sang rà chân phanh, không được để hờ chân ở bàn đạp ga.