1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Triều Tiên bốc lửa giận với Mỹ

Các cuộc đàm phán giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo với Triều Tiên bị trì hoãn mà không có lời giải thích khiến Bình Nhưỡng giận dữ.

Hôm 7-11, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo các cuộc đàm phán cấp cao giữa nước này và Triều Tiên đã bị hoãn lại mà không đưa ra lý do cụ thể.

Theo đài NBC News, ông Pompeo dự kiến gặp quan chức cấp cao Triều Tiên Kim Yong-chol ở New York – Mỹ trong ngày 8-11 (giờ địa phương). Cuộc họp nhằm lên kế hoạch cho hội nghị thượng định lần hai giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ đã tuyên bố dời cuộc họp và sẽ nối lại "khi chúng tôi sắp xếp được lịch trình".

Hôm 7-11, Tổng thống Donald Trump nói với truyền thông: "Chúng tôi hài lòng về cách tiếp cận với Triều Tiên. Tôi nghĩ nó sẽ ổn. Chúng tôi không vội vàng. Các biện pháp trừng phạt vẫn được duy trì. (Triều Tiên) ngừng thử tên lửa. Con tin (Mỹ ở Triều Tiên) đã trở về quê hương".

Vào tháng 8, Tổng thống Donald Trump cũng đột ngột hủy bỏ một chuyến thăm khác của ông Pompeo đến Triều Tiên.


Tổng thống Donald Trump (phải) bắt tay nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh ở Singapore hồi tháng 6. Ảnh: Reuters

Tổng thống Donald Trump (phải) bắt tay nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh ở Singapore hồi tháng 6. Ảnh: Reuters

Phản ứng trước cuộc họp bị trì hoãn hôm 7-11, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết quyết định này là đáng thất vọng.

"Chúng tôi đã hy vọng về những tiến bộ thực sự đối với tiến trình phi hạt nhân hóa và thiết lập hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên thông qua các cuộc đàm phán cấp cao Mỹ - Triều Tiên. Vì vậy, thật đáng tiếc khi cuộc họp không diễn ra" - một quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nói.

Các quan chức quân sự Mỹ, các nhà ngoại giao nước ngoài và một số nguồn thạo tin cho hay Bình Nhưỡng đang "tức giận thực sự" vì căng thẳng gia tăng với Mỹ cũng như các cuộc đàm phán gặp bế tắc.

Cựu quan chức Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Bruce Klingner chỉ ra mối đe dọa gần đây khi Triều Tiên đe dọa tái khởi động việc xây dựng các lực lượng hạt nhân nếu Mỹ không dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Trên thực tế, Bình Nhưỡng vẫn chưa gặp đại diện đặc biệt của ông Pompeo, Stephen Biegun, và hai bên vẫn chưa hoàn toàn thống nhất về tiến trình phi hạt nhân hóa.

Hai ông Trump và Kim đã gặp nhau tại Singapore tại hội nghị thượng đỉnh lịch sử hồi tháng 6. Hai nhà lãnh đạo ký cam kết hướng tới giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên nhưng các chuyên gia đánh giá thỏa thuận này khá mơ hồ.

Tuần trước, Bình Nhưỡng đe dọa tiếp tục chính sách tăng cường kho vũ khí hạt nhân trừ khi Washington dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.

Hãng tin Triều Tiên KCNA hôm 2-11 tuyên bố: "Chúng tôi đã cung cấp mọi thứ có thể cho Mỹ và đợi Mỹ phản hồi. Triều Tiên sẽ không nhúc nhích thêm dù chỉ 1 mm".

Mỹ hiện đã đình chỉ và hủy bỏ một số cuộc tập trận quân sự với Hàn Quốc để dọn đường cho ngoại giao. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joseph Dunford đầu tuần này cho rằng nếu đạt được tiến bộ trong các cuộc đàm phán Mỹ - Triều Tiên, điều đó có thể dẫn đến sự thay đổi đối với sự hiện diện quân sự của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên.

Nhà phân tích quân sự và ngoại giao của đài CNN, John Kirby, lưu ý quân đội Mỹ đóng vai trò quan trọng trong quá trình ngoại giao, giống như một bức tường thành và là quân bài mặc cả bởi Triều Tiên đang quan tâm đến gần 30.000 binh sĩ Mỹ đồn trú trên bán đảo Triều Tiên.

Theo Phạm Nghĩa

Người Lao Động