1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Triều Tiên bắn thử tên lửa đạn đạo, nhiều nước lo ngại

Hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên đưa tin nước này đã bắn thử thành công tên lửa đạn đạo chiến lược từ tàu ngầm và nhà lãnh đạo Kim Jong - un đã chỉ huy vụ bắn thử này. Vụ việc ngay lập tức khiến cả thế giới chú ý. Đã có những phản ứng quyết liệt được đưa ra.

Tuyên bố từ Triều Tiên

Theo KCNA, vụ bắn thử này nhằm chứng thực sự ổn định của hệ thống phóng tên lửa đạn đạo thẳng đứng từ dưới nước ở độ sâu tối đa, và quả tên lửa này trên thực tế đã bay đi nhờ động cơ nhiên liệu rắn mạnh mẽ mới phát triển có độ tin cậy và đầu đạn có thể tấn công các mục tiêu với độ chính xác cao. KCNA cho biết thêm, công nghệ tên lửa đạn đạo phóng đi từ tàu ngầm của Triều Tiên đáp ứng được tất cả các yêu cầu về kỹ thuật, sẵn sàng cho một chiến dịch tấn công từ dưới nước.

Thông tin này trùng với thông tin mà Bộ tư lệnh liên quân Hàn Quốc (JCS) nhận định, khoảng 18 giờ 30 phút (giờ địa phương) ngày 23-4, Triều Tiên đã phóng một vật thể bay nghi là một quả tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) tại vùng biển ngoài khơi phía Đông Bắc tỉnh Nam Hamkyeong. JCS cho biết, hiện quân đội Hàn Quốc đang thu thập các thông tin liên quan về vụ phóng, theo dõi chặt chẽ các động thái có liên quan của phía Triều Tiên, đồng thời duy trì tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao.

Hình ảnh mô phỏng tên lửa đạn đạo được phóng đi từ tàu ngầm. Ảnh: defense.
Hình ảnh mô phỏng tên lửa đạn đạo được phóng đi từ tàu ngầm. Ảnh: defense.

Trước đó, bày tỏ quan điểm của Triều Tiên về vụ việc, trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin AP (Mỹ) ngày 23-4, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Su Yong đã tuyên bố rằng, Bình Nhưỡng sẵn sàng ngừng các vụ thử hạt nhân nếu Mỹ dừng các cuộc tập trận quân sự thường niên với Hàn Quốc.

Nhà ngoại giao này cho rằng, việc ngừng các cuộc tập trận quân sự có thể mở ra cánh cửa cho việc xuống thang căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên. Trong cuộc phỏng vấn, ông Ri Su Yong cũng lên tiếng bảo vệ quyền duy trì sự răn đe bằng vũ khí hạt nhân của nước này và cảnh báo rằng, Bình Nhưỡng sẽ không chịu khuất phục trước các lệnh trừng phạt quốc tế. Theo ông, việc ngừng các cuộc tập trận quân sự có thể mở ra cánh cửa cho việc xuống thang căng thẳng.

"Nếu họ dừng các cuộc tập trận chiến tranh hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên thì chúng tôi sẽ ngừng các vụ thử hạt nhân", Ngoại trưởng Triều Tiên tuyên bố.

Trước đó, Triều Tiên cũng từng tuyên bố sẽ tiếp tục phát triển công nghệ vũ khí hạt nhân để đáp lại các biện pháp trừng phạt bổ sung có thể được áp đặt chống nước này do các động thái của Bình Nhưỡng trong lĩnh vực hạt nhân và tên lửa. Lời tuyên bố trên được một người phát ngôn của Viện Hòa bình và Giải trừ quân bị thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên đưa ra để đáp lại phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại cuộc họp cấp Ngoại trưởng nhóm G-7 được tổ chức ở Hirochima (Nhật Bản) ngày 11-4, rằng Washington sẵn sàng áp đặt những biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn so với nghị quyết mới nhất của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) đối với Bình Nhưỡng.

Trong một động thái liên quan, hãng thông tấn Yonhap dẫn nguồn tin của quân đội Hàn Quốc ngày 24-4 cho biết, Triều Tiên còn đang triển khai khoảng 300 hệ thống phóng rốc-két đa nòng (MLRS) cỡ 122mm dọc theo biên giới với Hàn Quốc. Các hệ thống này có thể bắn được tới Seoul và các khu vực lân cận.

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố họ không thể xác nhận liệu Bình Nhưỡng đã triển khai các MLRS cỡ 122mm hay chưa mà chỉ nhấn mạnh rằng, quân đội nước này đang có những biện pháp đối phó với các hệ thống này. Cụ thể kế hoạch đối phó dài hạn đã được đưa vào kế hoạch quốc phòng giai đoạn 2017-2021.

Những lo ngại và chỉ trích từ các nước

Phản ứng trước thông tin Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm, các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Pháp đều đã lên tiếng chỉ trích động thái này, cho rằng đây là hành động làm gia tăng căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên và đe dọa an ninh khu vực. Các nước cũng cho biết đang hối thúc LHQ và Liên minh châu Âu (EU) thông qua các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên.

Chiều 23-4, ngay sau khi phát hiện Triều Tiên thực hiện một vụ phóng từ tàu ngầm tại vùng biển ngoài khơi phía đông bắc tỉnh Nam Hamkyeong, Hàn Quốc đã tuyên bố duy trì tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao. Trong khi đó, giới chức Mỹ cũng cho biết đã phát hiện việc Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm vào chiều 23-4, song tầm bắn của loại vũ khí này không đe dọa đến an ninh của Mỹ.

Ngày 24-4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho biết, nước này sẽ hạn chế sự đi lại của Ngoại trưởng Triều Tiên, đang ở Mỹ để tham dự các cuộc họp của LHQ. Quyết định này được đưa ra nhằm phản ứng với vụ phóng tên lửa mới nhất mà Bình Nhưỡng tuyên bố là thành công.

Cùng ngày, truyền thông Nhật Bản đưa tin Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đã nhất trí yêu cầu Hội đồng Bảo an LHQ thông qua nghị quyết trừng phạt mới. Nghị quyết mới sẽ bao gồm các nội dung cứng rắn hơn, như cấm các nước xuất khẩu dầu thô sang Triều Tiên cũng như ngăn chặn máy bay của Hãng hàng không quốc gia Triều Tiên bay qua không phận các nước.

Tại châu Âu, Pháp đã kêu gọi EU thông qua các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Triều Tiên do nước này liên tiếp vi phạm các nghị quyết của LHQ.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tái khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc trong việc thực thi nghiêm chỉnh các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an LHQ chống Triều Tiên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Cho June-hyuck phát biểu tại cuộc họp báo rằng: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tham vấn với Chính phủ Trung Quốc để thực thi nghiêm chỉnh các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an LHQ thông qua sự hợp tác song phương chặt chẽ”.

Tình trạng căng thẳng, phức tạp rõ ràng đang tái leo thang trên Bán đảo Triều Tiên. Các chuyên gia cho rằng, nếu các bên liên quan không ngừng ngay các hành động mang tính khiêu khích, làm phức tạp thêm tình hình, rất khó đoán những diễn biến bất ngờ có thể xảy ra.

Theo Nguyễn Hòa

Quân đội nhân dân