1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tranh cãi việc tiêm kết hợp vắc xin khác loại để ngăn biến chủng Covid-19

Minh Phương

(Dân trí) - Sự xuất hiện của các biến chủng nguy hiểm hơn của virus SARS-CoV-2 khiến nhiều nước tính đến tiêm kết hợp vắc xin hoặc tiêm liều bổ sung. Tuy nhiên, việc này hiệu quả hay không vẫn còn gây tranh cãi.

Tranh cãi việc tiêm kết hợp vắc xin khác loại để ngăn biến chủng Covid-19 - 1

Nhiều nước tính đến việc tiêm vắc xin kết hợp với hy vọng cho hiệu quả cao hơn (Ảnh minh họa: Nature).

Tiêm trộn, tiêm liều tăng cường vắc xin

Ở nhiều nước, từ Đức đến Cộng hòa Dominica, giới chức y tế đang khuyến nghị giải pháp tiêm kết hợp vắc xin - sử dụng hai loại vắc xin khác nhau cho hai mũi tiêm - với hy vọng sẽ có hiệu quả ngăn ngừa tốt hơn, hạn chế các phản ứng phụ ngoài ý muốn và giải quyết tình trạng thiếu hụt vắc xin.

Đầu tháng này, Ủy ban thường trực về chương trình tiêm chủng của Đức (STIKO) khuyến nghị, những người đã tiêm vắc xin AstraZeneca mũi một "nên tiêm vắc xin loại mRNA ở mũi hai". STIKO nói rằng, "các kết của nghiên cứu hiện thời" cho thấy cho thấy phản ứng miễn dịch được tạo ra sau khi tiêm kết hợp vắc xin AstraZeneca với vắc xin công nghệ mRNA cho hiệu quả cao hơn so với tiêm hai mũi giống nhau.

Hôm 12/7, giới chức Thái Lan cũng cho biết sẽ sử dụng vắc xin AstraZeneca mũi hai cho những người đã tiêm vắc xin Sinovac mũi đầu.

Các nước Ả rập thống nhất (UAE) thậm chí đã cung cấp vắc xin Pfizer/BioNTech cho bất cứ người nào đã tiêm chủng vắc xin Sinovac mũi đầu. Tuy nhiên, một quan chức nước này cho biết, việc sử dụng kết hợp vắc xin khác có thể tăng cường hiệu quả phòng ngừa, nhưng việc quyết định có thêm hay không vẫn do người dân tự quyết định, giới chức y tế không đưa ra khuyến nghị.

Trong khi đó, sự xuất hiện của các biến chủng mới kéo theo việc số ca nhiễm có xu hướng tăng trở lại ở những nơi đã tiêm chủng đầy đủ khiến một số quốc gia cũng bắt đầu tính đến tiêm tăng cường mũi thứ ba. Giới chức Israel hôm 12/7 chính thức trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cho phép tiêm tăng cường mũi thứ ba vắc xin Pfizer/BioNtech.

Giới chức Israel khẳng định, các vắc xin hiện thời, chủ yếu là vắc xin theo phác đồ tiêm đủ hai liều, vẫn có hiệu quả, đặc biệt trong việc giảm nguy cơ gây bệnh nặng nếu mắc Covid-19. Tuy nhiên, trong số gần 50 bệnh nhân đang nguy kịch hiện nay ở Israel, một nửa là người đã tiêm chủng. Một nghiên cứu của Israel cho thấy, vắc xin Pfizer/BioNtech vẫn có tác dụng với biến chủng Delta, nhưng hiệu quả đã giảm từ 95% xuống còn 64%.

Điều này khiến Bộ Y tế Israel quyết định thông qua việc tiêm bổ sung mũi thứ ba vắc xin Pfizer/BioNtech cho một số đối tượng bị suy giảm hệ thống miễn dịch, như bệnh nhân ung thư hoặc bệnh nhân ghép tạng.

Chưa thể khẳng định hiệu quả

Tranh cãi việc tiêm kết hợp vắc xin khác loại để ngăn biến chủng Covid-19 - 2

WHO khẳng định chưa cần tiêm liều tăng cường, đồng thời cảnh báo việc tiêm trộn vắc xin có thể đẩy thế giới vào tình trạng nguy hiểm, hỗn loạn (Ảnh minh họa: AFP).

Ý tưởng sử dụng kết hợp vắc xin từng được tính đến thậm chí trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, và khái niệm này được gọi là "tiêm nhắc lại khác loại". "Trước đây, đã có những nghiên cứu về virus cúm gia cầm bằng cách sử dụng phương pháp tiêm nhắc lại khác loại và đây là một phần của chương trình nghiên cứu để thử và tối ưu hóa vắc xin", Amesh Adalja, học giả cấp cao tại Đại học John Hopkins, cho biết.

Ông Adalja cho rằng, việc nghiên cứu kết hợp vắc xin Covid-19 hiện này có thể giúp các nhà khoa học tìm hiểu làm thế nào để tạo ra các vắc xin thế hệ hai hiệu quả hơn, từ đó cũng nâng cao hiệu quả của các vắc xin dành cho các bệnh truyền nhiễm khác.

Giới khoa học từ lâu cũng tin rằng, việc tiêm kết hợp hai loại vắc xin khác nhau có thể tạo miễn dịch mạnh hơn vì các vắc xin sẽ kích thích các phần khác nhau của hệ miễn dịch, hoặc chỉ cho hệ miễn dịch cách nhận biết các thành phần khác nhau của một mầm bệnh đang xâm nhập. Tuy nhiên, chuyên gia về virus John Moore tại Trường Y Weill Cornell ở New York (Mỹ) cho rằng, với trường hợp Covid-19, vẫn cần thêm dữ liệu để đánh giá mức độ hiệu quả của phương pháp này. Các nhà khoa học vẫn đang tiến hành các nghiên cứu để hiểu rõ hơn lợi ích cũng như rủi ro của việc tiêm kết hợp.

Soumya Swaminathan, trưởng nhóm khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hôm 12/7 cảnh báo, hiện có rất ít dữ liệu về tác động của phương pháp tiêm chủng kết hợp tới sức khỏe của người được tiêm.

"Đây là một xu hướng có phần nguy hiểm. Chúng ta đang ở trong vùng trống dữ liệu và bằng chứng về việc tiêm kết hợp. Sẽ xảy ra tình trạng hỗn loạn ở các quốc gia nếu người dân bắt đầu quyết định khi nào và ai sẽ tiêm liều vắc xin thứ hai, thứ ba hay thứ tư", bà Swaminathan nói.

Giữa lúc còn nhiều tranh cãi về phương pháp tiêm trộn vắc xin, các nhà sản xuất đang chuẩn bị cho một giai đoạn mới nhằm phân phối vắc xin liều tăng cường. Hãng Pfizer tuần trước cho biết, mặc dù phác đồ tiêm chủng vắc xin hiện thời vẫn có hiệu quả trong việc giảm nguy cơ bệnh nặng, nhưng có thể vẫn cần một mũi thứ 3 tăng cường nhắc lại sau 6-12 tháng sau. Hãng cho biết sẽ cung cấp thêm dữ liệu trong thời gian tới và dự kiến sẽ đề nghị Cục Quản lý Thực và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng khẩn cấp liều tăng cường.

Tuy vậy, chỉ vài giờ sau thông cáo của Pfizer, FDA và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) ra một thông cáo chung nói rằng, người đã tiêm chủng đủ hai liều chưa cần tiêm liều tăng cường.

Các cơ quan này cho biết "đang tham gia vào một quy trình nghiêm ngặt dựa trên cơ sở khoa học để xem xét liệu có cần thiết phải tiêm nhắc lại hay không. Quá trình này dựa trên những tính toán từ phòng thí nghiệm, dữ liệu thử nghiệm lâm sàng và dữ liệu tổng hợp - có thể bao gồm dữ liệu từ các công ty dược, nhưng không chỉ dựa vào những dữ liệu đó. Chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét bất kỳ dữ liệu mới nào nếu nó xuất hiện và sẽ thông báo cho công chúng. Chúng tôi sẽ chuẩn bị các liều tăng cường nếu và chỉ khi khoa học chứng minh chúng là cần thiết".

Giới chức WHO cũng cho rằng, chưa đủ bằng chứng cho thấy phải tiêm mũi tăng cường vắc xin ngừa Covid-19. "Tại thời điểm này, không có bằng chứng khoa học nào cho thấy cần tiêm liều bổ sung", bà Swaminathan nói và nhấn mạnh phác đồ này cần "dựa trên khoa học và dữ liệu chứ không phải tuyên bố đơn lẻ của các công ty".

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đầu tuần này cảnh báo, việc tiêm bổ sung vào lúc này sẽ khiến tình trạng không cân bằng vắc xin trên thế giới trở nên trầm trọng hơn bởi nhiều quốc gia vẫn đang thiếu hụt nguồn cung.