Tiêm chủng kết hợp có thể tạo "vũ khí" đột phá đánh bại Covid-19
(Dân trí) - Nghiên cứu cho thấy chiến lược tiêm kết hợp một liều vắc xin Covid-19 của AstraZeneca (Anh) và một liều vắc xin Pfizer (Mỹ-Đức) có thể mang lại hiệu quả tốt hơn.
Một nghiên cứu têCom-COVOV do Đại học Oxford (Anh) thực hiện trên 850 người công bố hôm 28/6 chỉ ra rằng chiến lược tiêm kết hợp dù theo thứ tự AstraZeneca rồi tới Pfizer hay ngược lại đều có thể tạo ra các phản ứng miễn dịch tốt hơn so với việc tiêm 2 liều AstraZeneca. Điều này có nghĩa là, việc tiêm kết hợp 2 loại vắc xin tạo ra nhiều hơn kháng thể chống lại protein gai của virus SARS-CoV-2 - phần liên kết với tế bào người khi lây nhiễm.
Kết quả trên được cho củng cố quyết định của một số quốc gia châu Âu khi họ bắt đầu tiêm một liều vắc xin khác sau một liều AstraZeneca.
Giáo sư Oxford Matthew Snape, tác giả nghiên cứu, cho biết kết quả trên có thể giúp các nước linh hoạt hơn trong việc đẩy nhanh nỗ lực tiêm chủng, trong bối cảnh nhiều quốc gia vẫn đang trong tình trạng thiếu vắc xin. Tuy nhiên, giáo sư này cũng cảnh báo rằng, quy mô của nghiên cứu vẫn chưa đủ lớn để khuyến nghị một sự thay đổi quy mô lớn so với các chiến lược tiêm chủng đã được phê duyệt lâm sàng.
Chuyên gia Snape nhấn mạnh rằng kết quả thu được rất đáng khích lệ và nó có tiềm năng trở thành chiến lược tiêm chủng hiệu quả. Nghiên cứu cho thấy, phản ứng miễn dịch cao nhất được tạo ra khi tiêm 2 liều Pfizer và việc tiêm kết hợp AstraZeneca - Pfizer tạo ra phản ứng miễn dịch tốt hơn hẳn 2 liều AstraZeneca.
Cũng theo nghiên cứu, việc tiêm AstraZeneca trước rồi Pfizer tạo ra phản ứng tế bào T tốt nhất (loại bạch cầu đóng vai trò quan trọng trong hệ thống miễn dịch của cơ thể). Ngoài ra, cách tiêm này cũng có phản ứng miễn dịch tốt hơn là tiêm Pfizer trước rồi tiêm AstraZeneca.
Phía chính phủ Anh cho biết, do nguồn vắc xin ở nước này khá dồi dào nên họ chưa có ý định thay đổi chiến lược tiêm chủng vào thời điểm này.
Hơn 80% dân số trưởng thành ở Anh đã tiêm ít nhất một liều Covid-19 và 60% dân đã tiêm 2 liều.