1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tranh cãi vì ảnh Obama mặc trang phục châu Phi

(Dân trí) - Những ứng cử viên sáng giá cho vị trí tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ Hillary Clinton và Barack Obama vừa có lời qua tiếng lại vì một bức ảnh của ông Obama mặc trang phục truyền thống của châu Phi không biết bằng cách nào đó đã bị phát tán trên mạng.

Trong bức ảnh được đưa lên trang web Drudge Report, ông Obama mặc một bộ trang phục truyền thống màu trắng của châu Phi trong chuyến thăm Kenya vào năm 2006. Ông cũng đội một chiếc khăn xếp màu trắng. Được biết bộ trang phục do những người già ở đông bắc Kenya, quê hương gốc của Obama, tặng.

 

Theo trang web Drudge Report, thì bức ảnh được “các nhân viên của bà Clinton” tung lên.

 

Trước đây, một số phụ tá của bà Clinton cũng đã từng cố gắng bóng gió với các thành viên đảng Dân chủ rằng nguồn gốc châu Phi của ông Obama có thể khiến các cử tri cảm thấy bối rối.

 

Năm ngoái một người tình nguyện vận động tranh cử đã bị sa thải sau khi gửi đi một bức thư điện tử gợi ý sai rằng ông Obama là người Hồi giáo.

 

Cơ quan vận động tranh cử của ông Obama tố cáo nhân viên của bà Clinton tung bức ảnh đó lên nhằm bôi nhọ ông. Tuy nhiên, phía người của bà Clinton đã phủ nhận cáo buộc này.

 

“Nếu cơ quan tranh cử của Barack Obama muốn cho rằng bức ảnh ông ấy mặc bộ quần áo truyền thống Somali gây bất đồng, chia rẽ, thì họ nên xấu hổ về điều đó”, giám đốc chiến dịch tranh cử của bà Clinton, Maggie Williams cho biết. “Bà Hillary Clinton cũng đã từng mặc những bộ quần áo truyền thống của các nước mà bà đến thăm và những bức ảnh của bà được công bố rộng rãi”.

 

Vụ tranh cãi xảy ra đúng vào thời điểm hai đối thủ của đảng Dân chủ chuẩn bị bước vào các cuộc bỏ phiếu sơ bộ quan trọng trong tuần tới.

 

Theo các nhà phân tích, để vẫn đứng được trong cuộc đua chọn ứng viên của đảng Cộng hoà cho cuộc bầu cử vào tháng 11 tới, bà Clinton cần phải giành chiến thắng trong cuộc đua ở Texas và Ohio.

 

Trang Thu

Theo BBC