1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tranh cãi quanh vụ khai quật mộ của người biểu tình 19 tuổi tại Myanmar

(Dân trí) - Các nhà chức trách Myanmar đã khai quật mộ của cô gái 19 tuổi thiệt mạng trong lúc biểu tình và khẳng định cảnh sát không gây ra cái chết của cô.

Tranh cãi quanh vụ khai quật mộ của người biểu tình 19 tuổi tại Myanmar - 1

Găng tay phẫu thuật xuất hiện trên mộ của Kyal Sin ở Mandalay, Myanmar (Ảnh: Reuters).

Kyal Sin, còn được gọi là Angel, đã thiệt mạng hôm 3/3 do bị trúng đạn vào đầu khi cô cùng những người biểu tình khác đối mặt với lực lượng an ninh ở thành phố Mandalay. Cô gái 19 tuổi mặc chiếc áo in dòng chữ "Mọi việc sẽ ổn" đã trở thành biểu tượng của phong trào biểu tình phản đối đảo chính tại Myanmar.

Thông tin về việc ngôi mộ của Kyal Sin bị các nhà chức trách khai quật tiếp tục làm dấy lên làn sóng giận dữ từ những người biểu tình. Họ cáo buộc chính quyền quân sự tìm cách che giấu sự thật rằng, lực lượng an ninh đã gây ra cái chết của Kyal Sin.

Kênh truyền hình nhà nước Myanmar MRTV ngày 6/3 xác nhận, một thẩm phán và các bác sĩ đã khai quật và khám nghiệm tử thi của Kyal Sin.

Họ phát hiện một vết bắn phía sau đầu nạn nhân và một mảnh chì có kích cỡ 1,2 cm x 0,7 cm trong não Kyal Sin. Kết quả khám nghiệm cho thấy mảnh chì này khác với đầu của loại đạn được cảnh sát Myanmar sử dụng.

Truyền hình nhà nước Myanmar cho biết cảnh sát đã đứng đối diện với người biểu tình, trong khi vết thương của Kyal Sin nằm phía sau đầu và loại đạn khiến cô gái này tử vong có thể được bắn từ khẩu súng có cỡ đạn .38 caliber.

"Vì thế, có thể khẳng định những người không muốn sự ổn định đã gây ra vụ giết người này", MRTV kết luận.

Global New Light Of Myanmar, tờ báo do chính quyền Myanmar quản lý, ngày 5/3 cho biết các chuyên gia đã phân tích bức ảnh của Kyal Sin và kết luận thương tích trên đầu của cô không hẳn do vũ khí chống bạo động gây ra.

"Nếu vết thương này gây ra bởi vũ khí chống bạo động hoặc đạn thật, phần đầu của nạn nhân không thể còn nguyên vẹn như vậy", báo Myanmar khẳng định.

Trên mạng xã hội, những người phản đối đảo chính mô tả vụ khai quật là sự xúc phạm thêm một lần nữa đối với Kyal Sin và gia đình của cô, nhằm đưa ra các tuyên bố sai sự thật về những gì đã xảy ra.

Người phát ngôn của quân đội Myanmar hiện chưa đưa ra phản hồi về vụ việc.

Truyền hình nhà nước cho biết các nhà chức trách đã xin phép gia đình Kyal Sin trước khi khai quật thi thể của cô, nhưng không nói gia đình cô đã đồng ý hay chưa. Reuters hiện chưa liên lạc được với gia đình Kyal Sin.

Một nhân chứng sống gần nơi chôn cất Kyal Sin cho biết, anh đã nhìn thấy một nhóm gồm ít nhất 30 người, đi cùng 4 xe ô tô, 2 xe tải cảnh sát và 2 xe tải quân đội, đến khai quật mộ của Kyal vào tối 5/3. Hình ảnh do một người dân từng đến thăm mộ của Kyal Sin chụp lại cho thấy vết xi măng xung quanh mộ vẫn chưa khô, trong khi găng tay, ủng, áo choàng phẫu thuật bị bỏ lại gần mộ. 

Tranh cãi quanh vụ khai quật mộ của người biểu tình 19 tuổi tại Myanmar - 2

Kyal Sin mặc áo in dòng chữ "Mọi chuyện sẽ ổn" khi tham gia biểu tình ở Mandalay hôm 3/3 (Ảnh: Reuters).

Những người biểu tình có mặt tại hiện trường ở Mandalay hôm 3/3 khẳng định họ đã bị nã đạn thật vào thời điểm Kyal Sin bị bắn.

Những hình ảnh do Reuters công bố cho thấy Kyal Sin đã quay đầu lại phía lực lượng an ninh trước khi chết. Các bức ảnh chụp Kyal trong những giây phút cuối cùng cho thấy cô nằm dưới lòng đường và quan sát tình hình, trong khi những người biểu tình bắt đầu tản ra những nơi khác. 

Kyal Sin là một trong ít nhất 38 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình hôm 3/3. Đây cũng là ngày biểu tình đẫm máu nhất kể từ khi đảo chính xảy ra ở Myanmar hồi đầu tháng 2.

Dòng sự kiện: Đảo chính tại Myanmar