1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tranh cãi dữ dội các khoản đóng góp hàng tỷ USD tái thiết Nhà thờ Đức Bà

(Dân trí) - Vài ngày sau khi vụ hỏa hoạn ở Nhà thờ Đức Bà Paris, các tỷ phú Pháp đã nhanh chóng “mở hầu bao” hứa chi hàng trăm triệu USD để tái thiết công trình lịch sử. Tuy nhiên, động thái trên cũng làm dấy lên những ý kiến trái chiều rằng đây chỉ là chiêu trò “làm hình ảnh”.

Tranh cãi dữ dội các khoản đóng góp hàng tỷ USD tái thiết Nhà thờ Đức Bà  - 1

Nhà thờ Đức Bà Paris sau vụ hỏa hoạn ngày 15/4 (Ảnh: AFP)

Francois-Henri Pinault, người đàn ông giàu thứ 2 nước Pháp, đã cam kết chi 113 triệu USD để hỗ trợ tái thiết lại Nhà thờ Đức Bà, chỉ 1 ngày sau khi vụ hỏa hoạn xảy ra ngày 15/4 làm hỏng phần mái và tháp của công trình đã có tuổi đời gần 900 năm tuổi. Ngay sau đó, ông Bernard Arnault, một tỷ phú khác, tuyên bố đóng góp 226 triệu USD.

Tính đến ngày 17/4, gần 1 tỷ USD đã được đóng góp, đến từ các nhà tài phiệt, các công ty, tập đoàn nước ngoài.

Tuy nhiên, cách các tỷ phú nhanh chóng trong việc chi những khoản tiền lớn đã làm dấy lên những ý kiến trái chiều liên quan tới sự bất bình đẳng và chênh lệch giàu nghèo trong xã hội. Phong trào biểu tình “Áo vàng” kéo dài từ tháng 11 năm ngoái tới nay được cho cũng phản ánh nỗi bất bình của công chúng với hiện tượng nói trên.

Cũng có những ý kiến nói rằng giới siêu giàu tại Pháp đang muốn “gột rửa” danh tiếng trong thời gian Pháp đang trải qua “bi kịch quốc gia”.

“Bạn tưởng tượng được không, 100 triệu, 200 triệu (được ủng hộ) chỉ qua một cú nhấp chuột? Điều này thực sự phản ánh sự bất công tại đất nước này. Nếu họ có thể quyên góp hàng trăm triệu để tái thiết lại Nhà thờ Đức Bà, họ nên ngừng nói với chúng ta rằng không có đủ tiền để giải quyết sự mất cân bằng trong xã hội này”, ông Philippe Martinez, người đứng đầu Tổng liên đoàn Lao động Pháp CGT, nói.

Ông Ollivier Pourriol, một triết gia và tiểu thuyết gia người Pháp, viết rằng: “Victor Hugo cảm ơn những nhà tài trợ hào phóng đã cứu lấy Nhà thờ Đức Bà và gợi ý họ nên làm như vậy với Những người khốn khổ”. Pourriol đã nhắc tới 2 tác phẩm nổi tiếng của đại văn hào Hugo, trong đó có “Những người khốn khổ”, tác phẩm nói về cuộc sống vất vả của người Pháp thế kỷ 19.

Bà Manon Aubry, một nhân vật cấp cao của đảng dân túy cánh tả La France Insoumise, gọi các cam kết tài trợ là “hoạt động diễn tập trong quan hệ công chúng”.

Bà cho biết danh sách những nhà hảo tâm giống như “bảng xếp hạng của các công ty và những người đang được hưởng ưu đãi thuế”.

Bà nói: “Tôi muốn nhắn gửi họ rằng hãy đóng thuế đầy đủ và khoản tiền đó sẽ được đưa vào ngân sách bảo tồn văn hóa quốc gia”.

Căng thẳng châm ngòi

Tranh cãi dữ dội các khoản đóng góp hàng tỷ USD tái thiết Nhà thờ Đức Bà  - 2

 (Ảnh: Abaca Press)

Tranh cãi bắt đầu dấy lên khi cựu Bộ trưởng Văn hóa Pháp Jean-Jacques Aillagon, hiện là cố vấn của cha tỷ phú Pinault, ngày 16/4 lên Twitter đề nghị rằng những khoản đóng góp tái thiết Nhà thờ Đức Bà nên được giảm 90% thuế, trong khi thông thường các khoản đóng góp từ thiện được giảm 60% thuế.

Lời đề nghị trên đã làm bùng phát căng thẳng, làm dấy lên ý kiến rằng một hành động hào phóng có thể biến tướng trở thành lợi thế tài chính.

Phản ứng của công chúng gay gắt tới mức ông Aillagon đã phải lên một chương trình phát thanh ngày 17/4 và tuyên bố rút lại đề nghị. Gia đình Pinault cũng tuyên bố họ từ chối việc giảm thuế với khoản ủng hộ.

Giới quan sát cho rằng phát ngôn của ông Aillagon đến trong bối cảnh quá nhạy cảm, vào thời điểm ước Pháp vẫn đang tranh luận về phong trào Áo vàng và những cuộc biểu tình chống lại sự chênh lệch giàu nghèo trong xã hội và các đặc quyền tài chính.

Phong trào bắt đầu bùng phát do những tranh cãi liên quan tới thuế xăng và nhiên liệu, nhưng sau đó leo thang trở thành sự phản đối quy mô rộng với tình trạng mức sống ngày càng sụt giảm mà giới trung lưu Pháp phải đối mặt. Họ cho rằng người thu nhập trung bình và người nghèo ngày càng phải đóng nhiều thuế, trong khi người giàu vẫn giàu thêm mỗi ngày nhờ được hưởng những đặc quyền về mặt tài chính.

Chính vì thế khi 2 tỷ phú nhanh chóng tuyên bố tài trợ hàng trăm triệu USD, những ý kiến chỉ trích cáo buộc rằng họ chỉ muốn trở thành “anh hùng” trong mắt công chúng.  

Tuy nhiên, với nhiều người Pháp, trong đó có Grace Kitoudi, một nhân viên chăm sóc khách hàng làm việc ở sân bay, vấn đề này dường như đã bị đẩy đi quá xa.

Theo Kitoudi, cuộc khủng hoảng “Áo vàng” và vụ hỏa hoạn Nhà thờ Đức Bà là 2 vấn đề rất khác nhau. “Chúng ta không nên khiến mọi thứ trở nên rối rắm. Nếu chúng ta có thể ủng hộ để xây lại công trình lịch sử tuyệt vời này, đó là điều tốt”, Kitoudi cho biết.

Đức Hoàng

Theo New York Times

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm