1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trang trại hữu cơ, “trào lưu lạc hậu” nổi lên ở Trung Quốc

(Dân trí) - Ji Yunliang vốn là một chuyên gia nghiên cứu tên lửa tại một cơ quan lớn của chính phủ và sau đó giành được học vị tiến sĩ ngành hóa ở một trường đại học danh tiếng tại Bắc Kinh. Giờ, anh lại đang điều hành một trang trại hữu cơ nhỏ.


Trang trại hữu cơ, “trào lưu lạc hậu” nổi lên ở Trung Quốc - 1

Những người dân thành phố vui vẻ trở thành nông dân thực thụ vào mỗi dịp cuối tuần ở Trung Quốc.
 
Ở một đất nước mà những vụ bê bối liên quan đến an toàn thực phẩm không còn là chuyện hiếm, thì mối quan tâm về sản phẩm hữu cơ ngày càng tăng mạnh. Thay vì áp dụng những kiến thức hiện đại đã học, Ji tận dụng những phương pháp truyền thống và lao động tay chân có vẻ lạc hậu để “chiến đấu” với sâu bọ và cỏ dại trên mảnh đất của mình ở ngoại ô phía bắc thủ đô Bắc Kinh.

“Khi tôi lập được trang trại hữu cơ, tôi nhận ra rằng mình đạt được một bước ngoặt trong cuộc đời”, Ji nói, khi vẫn mải miết tìm từng con sâu sau đám lá húng quế. “Đúng ra, điều này hoàn toàn ngược lại với những gì tôi đã học khi nghiên cứu tiến sĩ ngành hóa học”.

Bất chấp mức giá cao hơn các sản phẩm thông thường khác đến 5 lần và không phải mọi lựa chọn đều được đáp ứng, nhu cầu về lương thực hữu cơ vẫn đang tăng rất mạnh ở Trung Quốc, nơi người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến những gì họ thưởng thức.

Theo ông Huang Dejun, nhà phân tích hàng đầu của Cơ quan Tư vấn Kinh doanh Nông nghiệp Bắc Kinh, thị trường sản phẩm hữu cơ hiện giờ trị giá khoảng 5 tỷ Nhân dân tệ (732 triệu USD) và nhu cầu có khả năng tăng từ 20 đến 30% một năm trong vòng 5 năm tới. “Kinh tế Trung Quốc đang tăng với tốc độ hai con số. Người dân ngày càng giàu có và họ đang theo đuổi một chất lượng cuộc sống tốt hơn”.

Ngành công nghiệp thực phẩm Trung Quốc nổi tiếng về các vụ bê bối liên quan đến an toàn. Năm 2008, ít nhất 6 em bé đã chết và 300.000 em bị ảnh hưởng đến sức khỏe khi chất melamine dùng trong công nghiệp bị phát hiện được cho vào sữa bột trẻ em để làm tăng hàm lượng đạm giả tạo. Cơn trấn động của vụ này vượt qua cả biên giới Trung Quốc. Đến năm nay, những loại rau thơm nhiễm thuốc sâu, đậu bị nhiễm độc và lê không an toàn đã bị loại khỏi các kệ hàng.

Thay vì phun các loại thuốc diệt cỏ trên ruộng rau rộng 0,7 hecsta, Ji lựa chọn biện pháp phủ rơm, mà anh cho là hiệu quả. Anh cũng trồng các vụ rau thưa ra để ngăn chặn sự phá hoại của sâu bọ và sự lây lan của các loại bệnh từ vụ trước.

Trang trại của Ji có thể cung cấp sản phẩm cho 200 gia đình vào mùa Hè và 100 gia đình vào mùa Đông. Những khách hàng thường xuyên nhất phải trả tổng cộng khoảng 805 USD để có sản phẩm giao tận nhà mỗi tuần trong cả năm. “Chúng tôi đang làm như vậy để duy trì đa dạng sinh học và phục hồi hệ thống sinh thái”, Ji nói.

Shi Yan – Giám đốc Trang trại Con lừa Nhỏ, một trang trại hữu cơ khác ở ngoại ô Bắc Kinh – nói sự quan tâm của người tiêu dùng với sản phẩm hữu cơ cho thấy “mọi người rất lo lắng về mức độ an toàn của lương thực”.

Trang trại của Shi chỉ có 54 khách hàng khi bắt đầu có sản phẩm vào năm ngoái. Năm nay, con số này là 320 gia đình đăng ký. Họ có thể đến đây thuê một mảnh đất nhỏ theo chương trình “chia sẻ công việc” để có thể làm việc vào mỗi cuối tuần, hoặc tham gia ít nhất 10 giờ làm vườn mỗi vụ thu hoạch.

“Làm nông nghiệp với các chất hóa học trong nhiều thập kỷ qua đã khiến đất đai suy kiệt và môi trường bị tàn phá”, Shi nói. Cô cũng là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành phát triển nông nghiệp tại Đại học Nhân dân Trung Quốc. “Hiện ngày càng nhiều người nhận ra nguyên nhân gốc rễ của vấn đề an toàn thực phẩm, vì vậy họ sẵn sàng tham gia các hoạt động trồng trọt trong các trang trại hữu cơ”.

Yu Shuchen, một nhân viên kế toán về hưu, đã trở thành người ủng hộ nhiệt tình cho trào lưu trang trại hữu cơ sau khi tham gia chương trình “chia sẻ công việc” ở trang trại Con lừa Nhỏ. Bà thường mang theo cô cháu gái để học “những điều thực tế không có trong sách vở”. “Tôi chắc chắn sẽ tiếp tục thuê đất, càng lâu càng tốt”, Yu nói.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng lương thực hữu cơ vẫn là sản phẩm dành cho giới nhiều tiền ở Trung Quốc do lượng cung có hạn, đặc biệt là khi các điều kiện không khí, đất và nước sạch cần có để lập một trang trại hữu cơ ngày càng khó tìm ở đất nước công nghiệp hóa chóng mặt này. “Dân số Trung Quốc rất lớn trong khi sản lượng của trang trại hữu cơ quá thấp”, Huang nói. “Không có các nguồn sản xuất đủ lượng lương thực hữu cơ cung cấp cho toàn dân”, ông thừa nhận.

Việt Hà