1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tổng thống Zelensky: Ukraine không còn tiền để sản xuất vũ khí

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Volodymyr Zelensky thừa nhận Ukraine không có tiền để tự sản xuất vũ khí, trong khi nguồn viện trợ từ các nước phương Tây đang chững lại.

Tổng thống Zelensky: Ukraine không còn tiền để sản xuất vũ khí - 1

Tổng thống Volodymyr Zelensky (Ảnh: Reuters).

"Theo tôi, có một vấn đề quan trọng mà chúng ta đã bắt đầu xúc tiến, đó là hoạt động sản xuất trong nước. Máy bay không người lái, pháo binh, ý tôi là hệ thống và đạn dược riêng biệt, tên lửa. Một chương trình tốn kém và chúng ta cần đầu tư tiền vào đây. Hiện tại, ngân sách của chúng ta không còn tiền", Tổng thống Zelensky phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 27/8.

Nhà lãnh đạo Ukraine lưu ý rằng ông cũng muốn tăng nguồn cung viện trợ quân sự của phương Tây, cũng như đẩy nhanh nguồn viện trợ đến Ukraine.

"Ví dụ, bỏ phiếu tại Quốc hội và đạt được các thỏa thuận. Họ có đủ tiền để chuyển những gói viện trợ này, nhưng quá trình này bị chậm lại", ông Zelensky nói thêm.

Cho đến nay, Mỹ là quốc gia viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine, đứng thứ hai là Đức. Theo các quan chức phương Tây, Ukraine phụ thuộc rất nhiều vào các chuyến hàng viện trợ của phương Tây để đối phó với chiến dịch quân sự của Nga.

Tuy nhiên, mối lo ngại về việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể tái đắc cử vào tháng 11 làm dấy lên câu hỏi về tương lai của các gói viện trợ quân sự lớn dành cho Kiev. Trước đây, ông Trump cáo buộc các đồng minh NATO lợi dụng sự hào phóng về an ninh của Mỹ ở châu Âu.

Vào tháng 6, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết Điện Kremlin đã sai khi tin rằng sự ủng hộ của thế giới dành cho Kiev sẽ suy yếu theo thời gian. Tuy nhiên, theo một dự thảo ngân sách năm 2025 mà Reuters thu thập được vào đầu tháng này, Berlin có kế hoạch giảm một nửa viện trợ quân sự cho Ukraine vào năm tới.

Khi viện trợ nước ngoài bắt đầu nhỏ giọt, Ukraine đã quyết định củng cố cơ sở công nghiệp quốc phòng trong nước để đảm bảo tự sản xuất được vũ khí đối phó Nga.

Tổng thống Zelensky từng tuyên bố ngành công nghiệp quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước sẽ đóng một vai trò quan trọng trong khả năng tự vệ lâu dài của nước này.

Phát triển một tổ hợp công nghiệp quốc phòng để cạnh tranh với Nga là một thách thức khổng lồ của Ukraine. Nga sở hữu một trong những hệ thống sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới, với gần 3 triệu lao động, cung cấp cho quân đội nước này và xuất khẩu toàn cầu.

Những nhu cầu riêng biệt về công nghệ quốc phòng đòi hỏi phải có cơ sở hạ tầng và máy móc chuyên dụng, cùng với nhân sự có kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực này.

Ngay cả phương Tây trong thời gian qua cũng đối phó với thách thức tăng cường năng lực sản xuất quốc phòng khi Nga đã bắt đầu tăng tốc với sản lượng vũ khí gấp nhiều lần vào năm 2023.

Mặc dù khó khăn, ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine cũng có những thuận lợi. Ukraine đã có hệ thống cơ sở sản xuất vũ khí khá lớn. Sau sự sụp đổ của Liên Xô, Ukraine thừa hưởng khoảng 30% cơ sở vật chất và lực lượng lao động của Liên Xô cũ. Ngành công nghiệp này đã duy trì qua nhiều năm. 

Theo Sputnik