1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Phương Tây tăng tốc viện trợ cho Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Mỹ và Đức đã công bố các đợt viện trợ quân sự mới cho Ukraine nhằm xua tan những lo ngại về sự ủng hộ liên tục của họ dành cho Kiev trong cuộc xung đột với Nga.

Phương Tây tăng tốc viện trợ cho Ukraine - 1

Xe tăng Leopard 1A5 do binh sĩ Ukraine thử vận hành ở Đức (Ảnh: Getty).

Newsweek dẫn số liệu do chính phủ Đức cập nhật vào đầu tuần này cho thấy, Đức đã chuyển giao thêm 8 xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 1A5 cho Ukraine theo kế hoạch chung với Đan Mạch.

Theo số liệu của Berlin, Đức cũng đã chuyển giao 21.000 viên đạn cho pháo phòng không tự hành Gepard của Ukraine. Đức đã cung cấp 52 tổ hợp Gepard cho Ukraine cùng với các phụ tùng thay thế. Kiev chủ yếu sử dụng tổ hợp này để bắn hạ các máy bay không người lái Shahed do Iran thiết kế.

Theo thống kê của Đức, Ukraine đã nhận thêm 10 radar giám sát mặt đất, gần 25.000 mũ bảo hiểm tác chiến, 2 xe bọc thép cứu hộ, 10 xuồng không người lái (USV) và một bệnh viện dã chiến.

Hôm 29/7, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng công bố khoản viện trợ quân sự mới cho Ukraine, trị giá khoảng 200 triệu USD. Lầu Năm Góc cho biết gói viện trợ này chủ yếu tập trung vào tên lửa phòng không, đạn pháo và vũ khí chống tăng.

Ngoài ra, Washington công bố một gói viện trợ khoảng 1,5 tỷ USD để hỗ trợ cho các biện pháp phòng thủ lâu dài của Ukraine, bao gồm cả kinh phí để duy trì các thiết bị mà Washington đã gửi cho Ukraine cũng như các nguồn lực bổ sung cho khả năng phòng không, pháo binh và chống tăng.

Gói viện trợ này còn bao gồm đạn dược cho Hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến quốc gia do Mỹ cung cấp, hay còn gọi là NASAMS, các tên lửa phòng không bổ sung, thiết bị tác chiến điện tử, đạn dược cho Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS), cũng như một số loại đạn pháo và đạn cối.

Cố vấn truyền thông an ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết: "Toàn thể lực lượng vũ trang của chúng tôi đã làm việc suốt ngày đêm để đưa vũ khí và thiết bị vào Ukraine nhanh nhất có thể".

Vào tháng 6, các nước G7 cho biết họ đã nhất trí cùng với Liên minh châu Âu (EU) sử dụng tiền lãi thu được từ các tài sản bị đóng băng của Nga để tài trợ cho nỗ lực chiến đấu của Ukraine. Tại hội nghị thượng đỉnh của NATO ở Washington trong tháng này, các nước thành viên liên minh cũng đưa ra nhiều cam kết viện trợ quân sự cho Kiev.

Cho đến nay, Mỹ là quốc gia viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine, đứng thứ hai là Đức. Theo các quan chức phương Tây, Ukraine phụ thuộc rất nhiều vào các chuyến hàng viện trợ của phương Tây để đối phó với chiến dịch quân sự của Nga.

Tuy nhiên, mối lo ngại về việc cựu Tổng thống Donald Trump có thể tái đắc cử vào tháng 11 làm dấy lên câu hỏi về tương lai của các gói viện trợ quân sự lớn dành cho Kiev. Trước đây, ông Trump cáo buộc các đồng minh NATO lợi dụng sự hào phóng về an ninh của Mỹ ở châu Âu.

Tháng trước, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết Điện Kremlin đã sai khi tin rằng sự ủng hộ của thế giới dành cho Kiev sẽ suy yếu theo thời gian. Tuy nhiên, theo một dự thảo ngân sách năm 2025 mà Reuters thu thập được vào đầu tháng này, Berlin có kế hoạch giảm một nửa viện trợ quân sự cho Ukraine vào năm tới.

Theo Newsweek
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine