1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tổng thống Venezuela bác tối hậu thư của EU, đề nghị đàm phán với Mỹ

(Dân trí) - Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro chỉ trích việc EU đề nghị chính quyền của ông tiến hành bầu cử trong vòng 8 ngày là hành động "xấc xược". Mặc dù vậy, ông vẫn để ngỏ khả năng đàm phán với các bên để giải quyết khủng hoảng.

maduro.jpg

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro (Ảnh: Getty)

 

Theo Reuters, trong cuộc trả lời phỏng vấn với hãng tin CNN ngày 27/1, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã bác bỏ tối hậu thư của Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu chính quyền của ông phải tiến hành bầu cử trong vòng 8 ngày. "Họ nên rút lại tối hậu thư này. Không ai có quyền ra tối hậu thư cho chúng tôi. Venezuela không phụ thuộc vào châu Âu. Điều này thật xấc xược", ông Maduro nói.

Nhà lãnh đạo Venezuela cũng lên tiếng chỉ trích chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cáo buộc Washington âm mưu hậu thuẫn phe đối lập tiến hành một cuộc đảo chính ở Venezuela. Ông Maduro cho biết, ông đã gửi nhiều thông điệp riêng đến Tổng thống Mỹ Donald Trump nhưng đến nay vẫn chưa nhận được bất cứ phản hồi nào.

"Tôi nghĩ ông ấy đang bận xử lý các vấn đề của chính ông ấy. Tôi nghĩ ông ấy đang coi thường chúng tôi, coi thường người Mỹ, coi thường cả thế giới. Họ không muốn chúng tôi tốt hơn. Họ tìm cách phá hủy hệ thống kinh tế của chúng tôi", ông Maduro nói.

Chỉ trích Mỹ, EU và cũng chỉ trích việc lãnh đạo đối lập Juan Guaido tự xưng làm tổng thống lâm thời là vi hiến, song ông Maduro vẫn để ngỏ đối thoại. “Chúng tôi sẽ tiếp tục lên án Mỹ, và tôi sẽ tiếp tục khuyến khích đối thoại quốc gia bởi vì tôi sẵn sàng đối thoại với tất cả phe chính trị đối lập, truyền thông đối lập. Tôi cho rằng các bên cần đối thoại. Tôi tin tưởng ở đối thoại”.

Ngoài ra, ông Maduro cũng điều chỉnh lại chỉ thị ông đưa ra trước đó. Cụ thể, thay vì buộc phái đoàn ngoại giao Mỹ phải rời Venezuela trong vòng 72 giờ, ông cho Washington thêm thời gian để đàm phán nếu có "thiện chí ngoại giao thực sự". Ông đưa ra thời hạn 30 ngày để chính quyền Tổng thống Trump lập một "văn phòng đại diện lợi ích" ở Caracas và một văn phòng tương tự cho Venezuela ở Mỹ.

Tuy vậy, đề xuất đối thoại của ông Maduro dường như không khả quan khi lãnh đạo đối lập Guaido nói rằng sẽ “ân xá” cho ông Maduro và các đồng minh nếu họ không cản trở việc ông này lập chính phủ lâm thời.
Tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 27/1, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng hối thúc các thành viên Hội đồng ủng hộ ông Guaido.

Những bình luận trên đưa ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị ở Venezuela trở nên sâu sắc hơn sau khi lãnh đạo đối lập Juan Guaido tự phong làm tổng thống lâm thời, kêu gọi quân đội ủng hộ để hạ bệ Tổng thống Maduro. Động thái này của ông Guaido nhận được sự ủng hộ của một số quốc gia, trong đó có Mỹ, song cũng vấp phải không ít sự chỉ trích của quốc tế.

Ngày 26/1, hai thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) là Pháp và Anh đã cùng Đức, Tây Ban Nha và các quốc gia châu Âu khác đưa ra một tối hậu thư cho Tổng thống Maduro rằng các cuộc bầu cử phải được tổ chức tại Venezuela trong 8 ngày tới, nếu không khối này sẽ có các hành động khác, bao gồm việc thừa nhận ông Guaido là lãnh đạo mới.

Ngoại trưởng Venezuela Jorge Arreaza tuyên bố với các thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ rằng chức vụ tổng thống của ông Maduro là hợp lệ và Venezuela sẽ không thể bị gây áp lực để phải tổ chức cuộc bầu cử mới.

Minh Phương
Tổng hợp