1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tổng thống Ukraine nêu điều kiện đàm phán hòa bình với Nga

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố Kiev sẽ chỉ sẵn sàng cho một giải pháp ngoại giao với Nga khi Ukraine lấy lại biên giới năm 1991.

Tổng thống Ukraine nêu điều kiện đàm phán hòa bình với Nga - 1

Tổng thống Volodymyr Zelensky (Ảnh: Reuters).

"Biên giới vào ngày 24/2/2022 (ngày Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine) không phải là biên giới của chúng tôi. Đó là đường ranh giới giữa chúng tôi và đối phương", Tổng thống Zelensky tuyên bố trong cuộc họp báo với Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez tại Kiev hôm 1/7.

Ông Zelensky nói rằng, Ukraine sẽ chỉ đàm phán một thỏa thuận hòa bình với Nga sau khi quân đội Nga rút hoàn toàn khỏi vùng Donbass ở phía đông và bán đảo Crimea ở phía nam.

"Chúng tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa rằng: Ukraine sẵn sàng cho bất kỳ hình thức ngoại giao nào nếu chúng tôi thực sự ở biên giới của mình, biên giới thực sự của chúng tôi phù hợp với luật pháp quốc tế", ông Zelensky nói thêm.

Trước đó, Washington Post dẫn ba nguồn thạo tin cho biết, Tổng thống Zelensky và các trợ lý của ông được cho là đang lên kế hoạch chấm dứt xung đột bằng các điều kiện được cả người Nga và Ukraine chấp nhận.

Để làm được điều này, họ sẽ phải chiếm được ưu thế trước Moscow bằng cách giành lại đáng kể lãnh thổ trước mùa thu năm nay. Trong một kịch bản lý tưởng, Ukraine có thể bố trí thành công các hệ thống pháo và tên lửa gần bán đảo Crimea, nơi đặt trụ sở của Hạm đội Biển Đen Nga.

Theo Washington Post, bằng cách biến bán đảo Crimea làm "con tin", Kiev muốn khởi động các vòng đàm phán và yêu cầu Nga chấp nhận mọi kế hoạch đảm bảo an ninh mà Ukraine có thể nhận được từ phương Tây.

Giới chức Ukraine nhiều lần tuyên bố nước này muốn giành lại toàn bộ lãnh thổ, khôi phục biên giới năm 1991.

Biên giới năm 1991 của Ukraine gồm cả 4 tỉnh sáp nhập vào Nga (Donetsk, Lugansk, Kherson, Zaporizhia) và bán đảo Crimea. Năm 2014, Nga đã sáp nhập Crimea sau một cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi. Kịch bản này cũng lặp lại ở 2 tỉnh miền Nam và 2 tỉnh miền Đông của Ukraine vào năm ngoái. Tuy nhiên, Ukraine không công nhận và tuyên bố sẽ giành lại toàn bộ lãnh thổ.

Các cuộc hòa đàm giữa Nga và Ukraine bế tắc kể từ tháng 3/2022. Đến nay, hai bên khẳng định vẫn sẵn sàng đàm phán, song đưa ra những điều kiện tiên quyết mà bên còn lại coi là không thể chấp nhận được. Kiev tuyên bố, hòa đàm chỉ diễn ra khi Nga rút hết quân và khôi phục lãnh thổ cho Ukraine.

Điện Kremlin cho biết Nga không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục cuộc chiến kéo dài hơn một năm ở Ukraine và không thấy có giải pháp ngoại giao nào.

Điện Kremlin nêu rõ, Nga không có ý định đảo ngược kết quả trưng cầu dân ý tại các vùng ly khai của Ukraine. Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng, ông sẵn sàng đàm phán với Kiev, nhưng "lựa chọn của người dân Donetsk, Lugansk, Zaporizhia, Kherson không thể thương lượng".

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 30/6 tuyên bố, việc đối thoại với Tổng thống Zelensky là vô nghĩa khi nhà lãnh đạo Ukraine không hành động độc lập.

Nga từ lâu tuyên bố nước này đang dẫn đầu cuộc đấu tranh chống lại sự thống trị của Mỹ trên trường quốc tế, đồng thời cho rằng chiến dịch quân sự tại Ukraine là một phần của cuộc chiến đó.

Theo Telegraph