1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga kêu gọi Ukraine, phương Tây đàm phán trước khi quá muộn

Minh Phương

(Dân trí) - Moscow kêu gọi phương Tây ngừng cung cấp vũ khí và thuyết phục Ukraine ngồi vào bàn đàm phán với Nga trước khi quá muộn.

Nga kêu gọi Ukraine, phương Tây đàm phán trước khi quá muộn - 1

Ông Konstantin Gavrilov, đại diện phái đoàn Nga tại Vienna về kiểm soát vũ khí và an ninh quân sự (Ảnh: TASS).

"Chúng tôi kêu gọi Mỹ và các đồng minh phương Tây rút lính đánh thuê và vũ khí khỏi lãnh thổ Ukraine, thuyết phục Ukraine đàm phán hòa bình trước khi quá muộn", Konstantin Gavrilov, đại diện phái đoàn Nga tại Vienna về kiểm soát vũ khí và an ninh quân sự, ngày 21/6 nêu rõ.

Nhà ngoại giao này nhấn mạnh, để đạt hòa bình, Ukraine cần lấy lại vị thế trung lập, không liên kết với quân đội nước ngoài theo Tuyên bố Chủ quyền Quốc gia năm 1990, từ bỏ kế hoạch gia nhập NATO và EU.

Ông Gavrilov cũng nói rằng, "những nỗ lực đổ lỗi cho Nga về cuộc khủng hoảng an ninh châu Âu sẽ không thay đổi được tình hình thực tế", trong khi phương Tây mới thực sự cần chịu trách nhiệm về sự leo thang đối đầu vũ trang ở khu vực.

"Mỹ, NATO và EU công khai tuyên bố họ phản đối đóng băng xung đột ở Ukraine. Nghĩa là họ muốn xung đột. Nga sẵn sàng cho điều này", ông Gavrilov cảnh báo.

Ukraine và các nước đồng minh, đối tác NATO phản đối một cuộc xung đột đóng băng do lo ngại Nga có thể tận dụng điều này để khôi phục lực lượng trước khi mở một cuộc tấn công quy mô lớn hơn vào Ukraine.

Trong khi đó, Moscow nhiều lần cáo buộc phương Tây đang trở thành một bên tham gia trực tiếp vào xung đột Ukraine với việc tiếp tục viện trợ vũ khí cho Kiev.

Moscow cảnh báo, việc phương Tây tiếp tục cấp vũ khí cho Kiev sẽ không thể thay đổi cục diện chiến sự mà chỉ khiến xung đột kéo dài.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hồi đầu tuần tuyên bố: "Nếu NATO một lần nữa tuyên bố họ phản đối đóng băng xung đột, hãy để họ tham chiến. Chúng tôi sẵn sàng cho kịch bản đó. Chúng tôi từ lâu đã nhìn thấu mục đích của NATO trong cuộc xung đột Ukraine".

Các cuộc hòa đàm nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine rơi vào bế tắc kể từ năm ngoái. Tổng thống Nga Vladimir Putin và giới chức nước này cho biết, hai bên đã gần đạt được thỏa thuận hòa bình vào tháng 3/2022, song Kiev đã rút khỏi đàm phán vào phút chót do tác động từ Washington.

Tuy nhiên, Mỹ bác bỏ cáo buộc trên. Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby hôm 21/6 một lần nữa nhấn mạnh, Mỹ ủng hộ hòa đàm Nga - Ukraine trên cơ sở đảm bảo tính toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

"Cuộc đàm phán chỉ được hoan nghênh nếu nó đáng tin cậy và có tính bền vững. Nghĩa là đàm phán phải đảm bảo chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, bắt đầu với các thảo luận về kế hoạch hòa bình 10 điểm mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đưa ra", ông Kirby nói.

Kế hoạch hòa bình 10 điểm mà ông Zelensky đưa ra bao gồm các đề xuất trong đó có yêu cầu Nga rút hết quân khỏi biên giới Ukraine và bồi thường thiệt hại. Nga coi kế hoạch này là "không thể chấp nhận được" vì không bao gồm thực tế mới về lãnh thổ, đồng thời cho rằng Kiev không sẵn sàng giải quyết xung đột bằng ngoại giao.

Theo TASS